Rút ngắn thời gian đào tạo cao đẳng, đại học, có nên không?
"Nên rút ngắn thời gian đào tạo và kết hợp đào tạo theo hình thức online, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp".
Theo các khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp không hài lòng với chất lượng nhân lực sau đào tạo tăng lên trong những năm gần đây.
Việc sinh viên ra trường vẫn phải đào tạo sau khi vào doanh nghiệp là vấn đề không mới, nhưng luôn là nút thắt cần tháo gỡ của ngành giáo dục. Thực tế này đặt ra những yêu cầu về đổi mới trong hệ thống giáo dục cũng như sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ về vấn đề đào tạo nghề. |
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, để nâng cao nguồn cung cho thị trường lao động là trách nhiệm của cả doanh nghiệp và các trường đào tạo.
Theo ông Lộc, với sự thay đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong tương lai sẽ có khoảng 70% công việc hiện tại sẽ mất đi và xuất hiện thêm nhiều nghề mới. Do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải thường xuyên thay đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.
“Tôi muốn hệ thống giáo dục nghề nghiệp gọn gàng hơn và thời gian đào tạo được rút ngắn. Hiện nay, các nước đào tạo đại học chỉ trong 3 năm, trong khi Việt Nam lại mất từ 4-5 năm và cao đẳng là 3 năm. Nếu chúng ta đào tạo 4-5 năm, khi người học ra trường thì nghề đào tạo đã thay đổi. Vì thế cần rút ngắn thời gian đào tạo và kết hợp đào tạo theo hình thức online, giữa xưởng và trường”, ông Lộc đề nghị.
Theo ông Lộc, doanh nghiệp là động lực chính thúc đẩy hoạt động của giáo dục nghề nghiệp. Doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, còn Nhà nước chỉ nên giữ vai trò quản lý, hỗ trợ.
“Doanh nghiệp không phải đại lãn chờ sung, chờ các trường đào tạo xong rồi tuyển dụng nhưng lại kêu đào tạo không đáp ứng yêu cầu. Doanh nghiệp cần định hướng nhu cầu nghề nghiệp, công việc, cùng nhà trường tham gia soạn thảo chương trình, giáo trình dạy nghề. Các kỹ sư, công nhân giỏi, các nhà quản lý giỏi tham gia vào giảng dạy ở nhà trường, tiếp nhận thực tập sinh”, ông Lộc nhấn mạnh.
Trong bối cảnh Việt Nam phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do CPTPP, Chủ tịch VCCI nhận định, giáo dục nghề nghiệp cũng cần có những chuyển biến để phù hợp với những tiêu chuẩn khắt khe về lao động, từ đó thâm nhập vào các thị trường lớn trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu về lao động trong thời hội nhập không chỉ có việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn lao động cũng như tuân thủ các điều kiện và trách nhiệm xã hội nói chung. Vấn đề ở đây là cần thay đổi thái độ, nhận thức của các cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo nghề công để thấy rằng việc tăng cường hợp tác với khu vực tư, thúc đẩy xã hội hóa sẽ là giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ công tác dạy nghề trong thời gian tới.
Theo ông Lộc, nhà nước càng không nên ôm hết từ tổ chức đào tạo đến cấp chứng chỉ mà nên giao việc này cho các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. “Nhà nước cần rút ra khỏi một số lĩnh vực dịch vụ công trong lĩnh vực đào tạo nghề. Nên để các hiệp hội của doanh nghiệp cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức các kỳ thi sát hạch, cấp chứng chỉ dạy nghề. Cơ quan nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng, đưa ra các quy định của pháp luật, cơ chế khuyến khích, để dạy nghề trở thành sự nghiệp của toàn dân”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng cho biết, bản thân các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, FDI cần lực lượng lao động được đào tạo phù hợp với yêu cầu của họ chứ không phải bằng cấp nặng tính lý thuyết. Đây sẽ là xu hướng tất yếu của xã hội. Bằng cấp phải đi đôi với chất lượng thực sự và phù hợp với cơ cấu về yêu cầu lao động của doanh nghiệp./.
Theo Nguyễn Trang/VOV