Những tấm lòng yêu nghề, mến trẻ
Điện Biên TV - Cơ sở vật chất thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm tới việc học tập của con em mình - đó chỉ là một số ít những khó khăn các giáo viên mầm non công tác tại vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Điện Biên Đông gặp phải. Vượt lên trên những khó khăn, áp lực ấy bằng lòng yêu nghề, mến trẻ các cô giáo vẫn ngày ngày tận tình chăm sóc, dạy dỗ các em nhỏ, giúp các em có cơ hội được học tập, giảm bớt những thiệt thòi. Các cô đã thực sự trở thành người mẹ thứ 2 của các em.
Một ngày làm việc của cô giáo Lường Thị Thảo trường mầm non Na Phát, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông bắt đầu bằng việc đón các em nhỏ đến lớp. Đó là việc làm giản dị nhưng mang nhiều ý nghĩa. Là một cô giáo trẻ sinh năm 1994, nhưng cô Thảo đã có 6 năm công tác trong môi trường nuôi dạy trẻ mầm non. Khi mới vào nghề như nhiều giáo viên khác, cô không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ bởi công việc dạy dỗ, chăm sóc học sinh mầm non hết sức vất vả.
Cô giáo Lường Thị Thảo trường mầm non Na Phát, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông bắt đầu bằng việc đón các em nhỏ đến lớp |
Thêm vào đó, điều kiện sinh hoạt, dạy học tại vùng sâu, vùng xa không được đầy đủ, việc trao đổi với phụ huynh, trẻ nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Vượt lên trên tất cả những khó khăn trở ngại đó, bằng lòng yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ cô tự động viên mình, tự học, tự trau dồi, không ngừng học hỏi từ những đồng nghiệp đi trước để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm.
Đặc biệt bằng lòng yêu trẻ, thương cảm với những khó khăn, thiệt thòi của trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, cô luôn cố gắng làm sao để các em thấy được sự yêu thương, chăm sóc. Với những nỗ lực, cố gắng của bản thân, liên tục từ năm 2012 - 2016 cô đạt danh hiệu lao động tiên tiến, năm học 2016 - 2017 cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Điều tâm niệm của cô Thảo có lẽ cũng là tâm niệm chung của 12 cán bộ, giáo viên của trường mầm non Na Phát. Mỗi cô một hoàn cảnh xuất thân, một quá trình công tác nhưng khi làm việc trong môi trường giáo dục lại là cấp học mầm non thì đạo đức nghề giáo, lòng yêu nghề, mến trẻ càng cần được đề cao.
Nhận thức sâu sắc điều này, cùng với việc nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, giáo viên. Trong đó, nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, đề cao gương mẫu trong thực hiện công việc được giao.
Hàng năm tổ chức ký cam kết thi đua với những nội dung thực hiện cụ thể đối với các phong trào, cuộc vận động do ngành phát động như: Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức tự học, tự sáng tạo; Học tập và làm theo tương tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.v.v.
Năm học 2018 - 2019 này, trường mầm non Na Phát có 9 lớp với 165 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi của nhà trường đạt 100%, 100% số trẻ ăn, ngủ trưa tại trường. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ không ngừng được nâng cao đảm bảo các tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định của ngành.
Trong thời gian vừa qua hàng hoạt vụ bạo hành ở các trường mầm non cả công lập và tư thục trên cả nước được phản ánh, thông tin qua báo chí, truyền thông không chỉ khiến các bậc làm cha, làm mẹ phẫn nộ bức xúc mà còn dấy lên những hoài nghi lo lắng về chất lượng nuôi dạy trẻ và đạo đức của người giáo viên.
Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở trường mầm non Na Phát không ngừng được nâng cao đảm bảo các tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định của ngành |
Điều này càng khiến tập thể giáo viên nhà trường nỗ lực vươn lên trong công tác nuôi dạy trẻ. Không thể phủ nhận những vất vả, áp lực khi phải quản lý, chăm sóc, dạy dỗ hàng chục em đang tuổi ăn, tuổi lớn. Tuy nhiên, xác định rõ tính chất đặc thù của giáo dục mầm non không chỉ dạy trẻ phát triển kỹ năng, tư duy góp phần hình thành phẩm chất đạo đức, lối sống mà các cô còn trực tiếp chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân trong cả một ngày dài theo học tại trường tại lớp. Bởi vậy, việc nhẹ nhàng uốn nắn, dạy dỗ với phương pháp phù hợp cùng tinh thần hết lòng vì trẻ thơ của các cô sẽ giúp phụ huynh học sinh yên tâm, tin tưởng khi gửi gắm con em mình đến trường.
Xã Tìa Dình nằm cách trung tâm huyện Điện Biên Đông khoảng 50 km về phía Đông - Nam. Xã có 540 hộ gia đình sinh sống rải rác tại 14 bản gồm 3 dân tộc Mông, Thái, Lào, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số với 87%.
Do nhiều điều kiện đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên nên Tìa Dình có nhiều cái nhất: Xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất; giao thông đi lại khó khăn nhất; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, nước hợp vệ sinh thấp nhất. Thấm thía những khó khăn vất vả nhất ấy, có lẽ là những cô giáo mầm non cắm bản.
Ngoài điểm trường trung tâm, trường mầm non Tìa Dình còn 7 điểm trường đặt tại các bản. Điểm trường gần nhất cũng cách trung tâm xã 3 km, điểm xa nhất cách đến 16 km. Cơ sở vật chất thiếu thốn, giao thông cách trở, nước thiếu, điện không, công việc kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối muộn, thu nhập lại không cao hơn những công việc khác. Tiền trực trưa cũng không có do phụ huynh quá khó khăn không thể đóng góp.
Thậm chí các cô tự trích tiền từ đồng lương ít ỏi ra để làm đồ chơi, giáo cụ học tập hoặc giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những khó khăn, thách thức không dễ vượt qua nhất là đối với các cô giáo mới vào nghề. Bởi vậy, chỉ có tình yêu trẻ, nỗ lực tận tụy với nghề trên tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu mới giúp các cô vượt lên trên hoàn cảnh gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Năm học này, trường mầm non Tìa Dình có 17 nhóm lớp trên 380 học sinh. Vượt qua những khó khăn đặc thù của xã vùng sâu, vùng xa, đội ngũ 31 cán bộ, giáo viên, người lao động nhà trường luôn nỗ lực, cố gắng không ngừng để cải thiện chất lượng chăm sóc trẻ. Trong đó, nâng cao chất lượng đội ngũ được nhà trường quan tâm, chú trọng bởi đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định kết quả chăm sóc, giáo dục trẻ.
Qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, tu dưỡng, rèn luyện đến nay 90% giáo viên nhà trường xếp loại chuẩn nghề nghiệp đạt xuất sắc, khá, 55% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp. Song song với nâng cao chất lượng đội ngũ, việc tổ chức cho các cháu ăn tại trường cũng được quan tâm đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Việc tổ chức cho các cháu ăn tại trường cũng được quan tâm đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Nhờ đó, dù là địa bàn vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn nhưng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể cân nặng của trường giảm xuống dưới 5%, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống dưới 8%. Tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt 98%, khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông được cải thiện, trẻ mạnh dạn trong các hoạt động vui chơi, học tập. Với nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi của tập thể cán bộ, giáo viên, đầu năm 2018, trường mầm non Tìa Dình vinh dự được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Thực tế cho thấy, nuôi dạy, giáo dục trẻ trong độ tuổi mầm non không chỉ đòi hỏi những phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cơ bản mà cần cả sự cần mẫn, tận tâm, yêu trẻ như con. Chỉ có như vậy, người giáo viên mầm non mới vượt qua được những khó khăn, áp lực của công việc làm tròn bổn phận chăm sóc trẻ.
Trong giai đoạn hiện nay, trong nền giáo dục không ngừng đổi mới thì, những yêu cầu về phẩm chất đạo đức, năng lực của người giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng càng đòi hỏi cao hơn. Chính vì vậy, mỗi giáo viên mầm non phải không ngừng tự nỗ lực, tự rèn luyện cả về trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm và đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng được yêu cầu công việc nuôi dạy trẻ, tạo lòng tin tưởng của các bậc phụ huynh.
Tin tưởng rằng, với những thành quả đã đạt được cùng lòng yêu nghề, mến trẻ, đội ngũ những người làm công tác giáo dục nói chung và giáo viên mầm non nói riêng sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn không ngừng vun đắp cho sự nghiệp trồng người của huyện vùng cao Điện Biên Đông./.
Chu Linh /DIENBIENTV.VN