Bộ trưởng Tư pháp: Cần giao Chính phủ phê duyệt Chương trình GDPT
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Chính phủ phê duyệt Chương trình giáo dục phổ thông, không quy định thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tại khoản 3 của Điều 30 quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông và các vấn đề liên quan đến đổi mới, chỉnh lý, căn chỉnh chương trình.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (ảnh: quochoi.vn) |
Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 3 Nghị quyết 88 của QH năm 2014 về đổi mới chương trình sách giáo khoa đã giao cho Chính phủ chỉ đạo, thực hiện và phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Do đó, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị không quy định thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình như khoản 3, Điều 30 của dự thảo Luật mà nâng lên một cấp là giao cho Chính phủ phê duyệt Chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng đề nghị phải quy định rõ ràng và cụ thể hơn ngay trong Luật về sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc biên soạn sách giáo khoa để có cơ chế cho các cá nhân, tổ chức thực hiện.
Về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, cũng nên nâng lên một cấp thẩm quyền, không giao cho Bộ GD-ĐT mà giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu, tổ chức hoạt động, các nội dung cơ bản nhất của Hội đồng quốc gia thẩm định Chương trình giáo dục phổ thông.
Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành, có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp với tính chất và nội dung của dự thảo Luật. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều (tăng 01 chương, 01 mục và 07 điều so với Luật Giáo dục hiện hành; tăng 01 chương và sửa đổi, bổ sung 39 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5./.
Theo Bích Lan/VOV