Bộ trưởng GD-ĐT: Sẽ rà soát các vấn đề xã hội đang bức xúc

Thứ Sáu, 16/11/2018, 07:52 [GMT+7]

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: Trong thời gian tới sẽ rà soát cụ thể hơn các vấn đề xã hội đang bức xúc, những vấn đề gây nút thắt phát triển giáo dục.
 
Phát biểu tại hội trường sáng 15/11 khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội cho dự án Luật Giáo dục sửa đổi và khẳng định, với những vấn đề lớn sẽ nghiên cứu thấu đáo, có đánh giá tác động.
 

1
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự án Luật Giáo dục sửa đổi được tiếp thu theo hướng thể hiện rõ hơn quan điểm, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đồng thời, dự án Luật Giáo dục sửa đổi cũng cập nhật tinh thần các Nghị quyết gần đây, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có liên quan nhiều đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông và giáo dục đại học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ rà soát cụ thể hơn các vấn đề xã hội đang bức xúc, những vấn đề gây nút thắt phát triển giáo dục. Từ đó lựa chọn, xác định rõ những gì có thể thì đưa cụ thể luôn ở trong Luật, nhằm khi triển khai không cần đợi các văn bản hướng dẫn, đảm bảo tính khả thi, giúp Luật đi vào cuộc sống.

Những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đưa ra sẽ được nghiêm túc tiếp thu, để có thể trình ra kỳ họp lần thứ 7 một dự thảo chất lượng.
 
Với một số vấn đề lớn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần nghiên cứu thật thấu đáo, có đánh giá tác động như vấn đề nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; chính sách với giáo dục miền núi, vấn đề xã hội hóa...

Một số vấn đề cần nghiên cứu thấu đáo để tạo đồng thuận cao, như về triết lý giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia, nghiên cứu về nội dung này./.

 

 

Theo Bích Lan/VOV

.