Đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân
Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam nói chung và giáo dục quốc dân nói riêng.
Sáng 12/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Hội nghị nhằm đánh giá bước đầu kế hoạch triển khai thực hiện đề án và bàn biện pháp để tiếp tục triển khai đề án trong thời gian tới.
Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1309 năm 2017. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam nói chung và giáo dục quốc dân nói riêng.
Sắp tới, nội dung quyền con người sẽ được đưa vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (ảnh minh họa) |
Sau hơn 1 năm triển khai, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì về nội dung, tiến độ triển khai, theo dõi giám sát thực hiện Đề án đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội... đã thành lập Ban điều hành đề án, xây dựng được các kế hoạch chi tiết thực hiện đề án, xây dựng dự toán kinh phí năm 2018 và tổng thể kinh phí của đề án.
Một số Bộ đã bắt đầu triển khai việc điều chỉnh, xây dựng chương trình đào tạo về quyền con người để đưa vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, nhiều nội dung của đề án còn chậm so với tiến độ đã đề ra, mà nguyên nhân do quy mô đề án lớn, liên quan đến nhiều bộ, ngành nên việc triển khai gặp khó khăn.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT nêu thực tế: “Về cơ bản tất cả các nội dung lồng ghép vào chương trình sách giáo khoa mới thì đã được các chuyên gia nghiên cứu và đưa vào rồi. Vì vậy đây cũng là một khó khăn khi đề án của chúng ta được phê duyệt tương đối là chậm so với tiến độ của chương trình sách giáo khoa và nó cũng sẽ thay đổi một số cấu trúc của chương trình sách giáo khoa ở các cấp”, ông Trần Anh Tuấn nói.
Từ thực tế này, đại diện các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện đề án cũng nêu ra các đề xuất, giải pháp cụ thể theo đặc thù công việc được giao để trong thời gian tới có thể triển khai Đề án đảm bảo đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra./.
Theo Minh Hường/VOV