Điện Biên Đông quan tâm xây dựng trường học bán trú

Chủ Nhật, 14/10/2018, 16:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cùng với sự phát triển chung của huyện vùng cao Điện Biên Đông, trong những năm học gần đây, mô hình trường học bán trú trên địa bàn huyện đang thực sự là điểm sáng trong công tác giáo dục. Với mô hình này, các em học sinh ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đã có điều kiện tốt hơn để học tập, sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Chúng tôi có mặt vào đúng giờ ăn tối của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tân Lập, xã Háng Lìa, được chứng kiến không khí phấn khởi, hồn nhiên của các em học sinh ở đây. Ngày nào cũng vậy, vào bữa ăn trưa và tối, suất ăn được cán bộ, nhân viên nhà trường chia đều vào những chiếc khay sạch sẽ như thế này, học sinh cùng nhau ăn cơm trong không khí ấm cúng như ở chính gia đình của các em.

Món ăn dù chưa phong phú, đầy đủ nhưng đã đáp ứng được khẩu phần ăn của các em mỗi ngày. Thực hiện theo Nghị định 116 của Chính Phủ, ở đây mỗi tháng, mỗi em học sinh bán trú được hỗ trợ hơn 550.000 đồng và 15 kg gạo.
 

1
Bữa ăn của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tân Lập, xã Háng Lìa huyện Điện Biên Đông


Năm học 2018-2019 là năm thứ 4 Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tân Lập, xã Háng Lìa thực hiện mô hình bán trú. Năm học này trường có hơn 210 học sinh của 7 lớp, trong đó trên 160 em được hưởng chính sách dành cho học sinh nhà ở cách trường từ 5km trở lên.

Với mô hình bán trú, nhà trường và học sinh đều thuận lợi trong sinh hoạt, giảng dạy. Giáo viên lên lớp không còn phải mòn mỏi đợi trò, học sinh cũng không còn phải nắm cơm gùi gạo đến lớp ăn rồi tan học lại phải băng rừng lội suối về nhà qua chặng đường dài nữa.

Nhà trường xây dựng lịch sinh hoạt, quản lý giờ học tập, cũng như có thể phụ đạo học sinh yếu kém được tốt hơn. Sau gần 4 năm học thực hiện mô hình trường học bán trú, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tân Lập đã đạt được nhiều kết quả nổi bật ở hầu hết các mục tiêu giáo dục được giao, đặc biệt là tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn duy trì trên 98%, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

Với mô hình trường học bán trú, các em học sinh được ăn, ở tập trung và học tập tại chỗ, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với bạn bè, thầy cô, các em học sinh chịu khó học tập hơn. Ngoài ra, các em học sinh còn được tham gia các buổi học ngoại khóa, được nhà trường phụ đạo học sinh yếu kém, do vậy chất lượng giáo dục của nhà trường cũng nhờ đó mà được nâng lên rõ rệt.

1
Ngoài lên lớp, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tân Lập, xã Háng Lìa huyện Điện Biên Đông tổ chức trồng rau, từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày

 
Điện Biên Đông có 14 xã, thị trấn, trong đó có 13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Do địa hình chia cắt, dân cư phân bố không đều, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 98%. Phong tục tập quán mỗi dân tộc mang sắc thái riêng rất đa dạng, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác dạy và học, từ năm 2010, Phòng Giáo dục – đào tạo huyện đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện những giải pháp đẩy mạnh thực hiện mô hình bán trú, nhằm tạo điều kiện cho học sinh được học tập, sinh hoạt tại nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục và giảm thiểu tình trạng bỏ học, duy trì, giữ vững kết quả phổ cập của huyện.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên của ngành luôn có ý thức, trách nhiệm cao, bám trường, bám lớp, hết lòng vì học sinh. Cùng với việc Nhà nước đã có một số chính sách đầu tư tập trung cho các trường phổ thông dân tộc bán trú, các trường vùng khó khăn, trường trọng điểm; có chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng học sinh và giáo viên trực tiếp giảng dạy, mô hình bán trú đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, giúp học sinh có điều kiện tốt hơn trong  học tập.
 
Tính đến năm học 2018-2019, toàn huyện Điện Biên Đông duy trì 27 trường Phổ thông dân tộc bán trú. Hiện tổng số học sinh bán trú trong toàn huyện là hơn 6.000 học sinh. Qua thực hiện mô hình bán trú, các trường đã nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh, chất lượng dạy và học năm sau cao hơn năm trước.

Các trường PTDTBT cấp tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày, đạt 100%; trường PTDTBT cấp THCS đảm bảo cho học sinh học tập các buổi chiều và tham gia các hoạt động của nhà trường, duy trì tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày, đạt 98%. Thực hiện đầy đủ các nội dung về các hoạt động văn hóa dân tộc, giáo dục thể chất, thể thao và các chương trình rèn kỹ năng sống cho học sinh trong các trường PTDTBT.

Đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ cho giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ bộ môn, nâng cao chất lượng công tác phong trào trong các nhà trường. Học sinh được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại trường học theo kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, nhiều trường có nhiều hình thức hoạt động sinh động thu hút học sinh tham gia và phát huy bản sắc dân tộc của từng địa phương.  
 
Thực tế hiện nay đối với học sinh vùng cao, cái thiếu nhất vẫn là kỹ năng sống, tự lập và hoạt động tập thể. Mô hình trường bán trú được mở rộng đã giúp các em nhanh chóng hòa nhập được với thầy cô và bạn bè.

1
Qua thực hiện mô hình bán trú, các trường đã nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh, chất lượng dạy và học năm sau cao hơn năm trước.

 

Các trường PTDTBT tập trung chú trọng tới các hoạt động giáo dục đặc thù, dạy học sinh từ những điều nhỏ nhất để giúp học sinh nêu cao tinh thần tự giác, tự quản. Qua đó, ngôi trường PTDTBT đã trở thành ngôi nhà chung của các em.

Chính vì vậy, trong những năm qua, ngành Giáo dục – đào tạo huyện luôn duy trì tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần cấp tiểu học đạt trên 99,8%; THCS đạt gần 95%. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên không phải đến từng gia đình huy động học sinh đến lớp nên có nhiều thời gian hơn để tập trung chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy học.

Chất lượng giáo dục đã có sự chuyển biến rõ rệt. Kết quả trong năm học 2017-2018, tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đạt 100%, công tác phổ cập giáo dục được duy trì bền vững, quy mô mạng lưới trường lớp được duy trì ổn định, số trường đạt chuẩn quốc gia chiếm gần 46%.
 
Có thể thấy, những năm học qua, mô hình trường học bán trú ở Điện Biên Đông đã và đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm từ việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, phòng ở, các công trình phụ trợ đến nền nếp hoạt động tại các nhà trường. Cũng chính từ sự quan tâm đó cùng với sự nỗ lực của các đơn vị trường học, mô hình trường bán trú đã từng bước trở thành điểm sáng trong hoạt động giáo dục của huyện Điện Biên Đông như hiện nay./.

 

 

Hoàng Hảo/DIENBIENTV.VN

.