Đầu tư phát triển giáo dục ở nông thôn
Điện Biên TV – Trong những năm qua, việc đầu tư phát triển giáo dục ở nông thôn đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Điện Biên quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới trường lớp, chăm lo sự nghiệp giáo dục tại địa phương nhằm từng bước đảm bảo hoàn thiện tiêu chí về Giáo dục trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, gồm: tiêu chí số 5 về cơ sở vật chất trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục. Tiêu chí số 5 được đánh giá dựa vào tỷ lệ các trường Mầm non, Tiểu học, THCS có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia.
Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục được quan tâm đẩy mạnh, qua đó chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên |
Những năm qua, cơ sở vật chất trường lớp học trên địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp tục được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học và yêu cầu đổi mới giáo dục. Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục được quan tâm đẩy mạnh, qua đó chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Từng bước nâng cao hiệu quả thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phố cập giáo dục trung học cơ sở.
Mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh Điện Biên phát triển khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Các xã, cụm xã và trung tâm các huyện, thị xã, thành phố đều có trường, lớp học. Hiện nay 100% số xã có trường mầm non, gần 98% số xã có trường tiểu học và trường THCS. Các trung tâm cụm xã và trung tâm huyện, thị, thành phố đều có trường THPT.
Quy mô học sinh ổn định ở các cấp học tiểu học, THCS, THPT và phát triển nhanh ở cấp học mầm non. Hiện nay toàn tỉnh có 526 trường học với gần 1.600 điểm trường tại các thôn, bản, có hơn 7.000 lớp học với gần 185 ngàn học sinh, sinh viên. Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng ở các cấp học, như tiểu học đạt 99,7%, THCS đạt 94,7% và tỷ lệ học sinh 15 tuối đi học lớp 10 đạt trên 60%...
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh Điện Biên đã tích cực lồng ghép thực hiện tiêu chí số 14 để đẩy mạnh giáo dục toàn diện. Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tiếp tục quản lý, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp đặc điểm tâm-sinh lý của học sinh; tăng cường giáo dục đạo đức, trang bị kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số; tạo môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện với học sinh; tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Niềm vui của học sinh Mầm non bản Hin Phon, xã Na Tông, huyện Điện Biên trong phòng học mới. ảnh KT |
Đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi; triển khai dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới ở những nơi có đủ điều kiện; duy trì và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia. Hiện nay đã có 38/116 xã đạt tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo, chiếm gần 33%, tăng 15 xã so với kết quả thực hiện năm 2015
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện tiêu chí số 5 trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn gặp khó khăn do hạn chế về nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên mới có 46/116 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học, chiếm gần 40%, tăng 13 xã so với năm 2015.
Để hoàn thành được tiêu chí cơ sở vật chất trường học trong xây dựng Nông thôn mới, rất cần sự nỗ lực phát huy hơn đối với ngành giáo dục và sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội. Hiện tại, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ về xây dựng cơ sở vật chất các trường học nhằm tạo đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra./.
Hương Trà/DIENBIENTV.VN