Đào tạo đại học còn xa thực tế, nặng nề thi cử
Nhìn lại 5 năm đổi mới toàn diện nền giáo dục, việc đào tạo đại học còn xa thực tế, thi cử còn nặng nề, liên thông yếu nên tính hướng nghiệp còn hạn chế.
Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 dưới sự nỗ lực triển khai của toàn Đảng, toàn dân, của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD-ĐT cùng tất cả các Bộ ngành, địa phương, giáo dục và đào tạo của nước ta đã thực sự có nhiều chuyển biến cũng như vẫn phải đang phải đối diện với những thách thức.
Những vấn đề này đã được nhìn nhận một cách thấu đáo trong Hội thảo khoa học “5 năm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo: Thành tựu và thách thức” được tổ chức sáng 18/9 tại Hà Nội.
Trong 5 năm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, ngành giáo dục đã gặt hái được thành tựu nhưng cũng đang đối diện với nhiều thách thức |
Tỷ lệ học sinh muốn vào đại học giảm đáng kể
Nhìn lại quá trình 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An khẳng định, Nghị quyết 29 nhấn mạnh đến đổi mới căn bản từ truyền tải kiến thức cho học sinh sang phát huy năng lực, phẩm chất của người học.
Tiếp nhận Nghị quyết 29, Giáo dục phổ thông đang có sự chuyển đổi rõ theo hướng này nên đã có sự thay đổi lớn trong đánh giá từ điểm số, thành tích sang phát huy năng lực; đánh giá học sinh một cách thiết thực hơn.
Trước kia, Nghệ An thường tổ chức kỳ thi định kỳ các cấp thì hiện nay, địa phương đã tổ chức sân chơi trí tuệ, hướng học sinh phát huy đúng năng lực, thúc đẩy các em học tập, rèn luyện hiệu quả chứ không vì áp lực thi cử.
Tuy nhiên, là một đất học, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh không dễ dàng ở Nghệ An. Trước kia, hầu hết học sinh THPT khi tốt nghiệp đều muốn đăng ký vào ĐH (90% học sinh) thì nay, con số này đã có sự thay đổi rõ rệt, có 60% đăng ký thi ĐH còn lại là chuyển sang học nghề. Đây là việc vận dụng thành công Nghị quyết 29 ở địa phương, giúp học sinh nhìn rõ hơn về năng lực của mình đến đâu trước khi quyết định học tập tiếp hay chuyển hướng sang công việc phù hợp với khả năng.
GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng là phổ cập cả giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH. Trong việc xóa mù chữ, chúng ta đã có những thành công nhất định; đã đưa giáo dục đến với vùng sâu, vùng xa một cách tốt hơn. Việc phát triển hệ thống trường chuyên cũng đã góp phần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước...
Đào tạo đại học còn xa thực tế, thi cử nặng nề, liên thông yếu
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được thì ngành giáo dục vẫn còn những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29. Đó là chúng ta đã dừng quá lâu ở truyền thụ kiến thức, chương trình nặng dẫn đến người học yếu về kỹ năng, phương pháp nên khi tốt nghiệp còn lúng túng, chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội. Ngoài ra, ở nhiều địa phương, trường học chưa coi trọng dạy làm người, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Đào tạo đại học cần gắn với thực hành nhiều hơn (ảnh minh họa) |
Theo GS. TS Vũ Minh Giang, đối với giáo dục ĐH, chương trình đào tạo còn xa thực tế, thi cử còn nặng nề, liên thông yếu nên tính hướng nghiệp còn hạn chế. Niềm tin của giáo dục bị giảm sút nên nhiều gia đình đã chọn lựa cho học sinh đi du học.
Chúng ta đang xây dựng chương trình giáo dục chuyển mạnh từ tiếp cận nội dung sang giảng dạy kỹ năng, giáo dục làm người. Tuy nhiên, đổi mới giáo dục phải có quá trình, không phải có kết quả ngay được. Đổi mới giáo dục là phải thực hiện liên tục nhưng đổi mới phải có trọng điểm, tránh đổi mới mang tính bình quân chủ nghĩa.
Muốn thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trước tiên, các trường cần đổi mới tư duy trong trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Ngoài ra, chúng ta đang học kiến thức, kỹ năng giáo dục ở nhiều nước nhưng ít nhìn lại thực tế ở trong nước như thế nào để có sự điều chỉnh phù hợp.
Sắp tới, Việt Nam thực hiện 1 chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhưng việc triển khai viết sách như thế nào phải để học sinh yêu thích học. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng phải gắn với đánh giá, kiểm tra học sinh một cách khoa học hơn.
Đối với đổi mới thi cử cần phải thực hiện một cách mạnh mẽ hơn, quy định giao cho địa phương đến đâu. Tới đây, việc thi cử nên giao mạnh cho các trường ĐH.
Ngoài ra, các trường ĐH cũng cần chú trọng đến tự chủ về học thuật rồi mới đến tài chính. Hiện nay, chúng ta vẫn coi các trường ĐH vẫn là cơ sở đào tạo nên chất lượng đào tạo chưa phát triển được nhiều. Vì vậy, tới đây phải coi giáo dục ĐH là cơ sở nghiên cứu.
Nên bỏ hay giữ kỳ thi THPT Quốc gia?
Nghị quyết 29 nhấn mạnh đổi mới phương thức thi, công nhận tốt nghiệp theo hướng giảm thiểu áp lực cho gia đình học sinh và xã hội…
PGS TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết, hiện nay, trên thế giới có 3 xu hướng: Không thi THPT Quốc gia (hiệu trưởng cấp chứng nhận hoàn thành); Tổ chức thi THPT Quốc gia (sự vào cuộc của các tổ chức cơ quan Nhà nước, Bộ điều hành, tổ chức); Có thi THPT nhưng do Trung tâm khảo thí kiểm định thực hiện.
Cần đánh giá lại kỳ thi THPT Quốc gia trên cơ sở khoa học và thực tiễn (ảnh minh họa) |
Cả 3 xu hướng đều thi môn bắt buộc: Toán, ngữ văn, Ngoại ngữ… Ngoài ra có môn thi tự chọn chuyên biệt để học sinh vào ĐH.
Ở Việt Nam, từ 1975 – 2018 đã 6 lần đổi mới thi cử và đã từng bước đạt kết quả nhất định. Kỳ thi 2017 – 2018 là ấn tượng nhất, bám rất sát Nghị quyết 29, giảm lo âu căng thẳng cho xã hội, thời gian thi ngắn gọn, kết quả nhanh. Học sinh không phải đến các tỉnh, thành phố lớn để thi mà có thể thi ngay tại nơi gần nhất với mình.
Tuy nhiên, những gian lận về điểm thi ở một số địa phương với sự can thiệp của một số người trong ngành giáo dục đang đặt ra với ngành Giáo dục là tăng cường hơn nữa ý thức tự chịu trách nhiệm của từng cấp, từng người; xử lý nghiêm những người thực hiện không tốt công tác tham gia công tác coi thi, chấm thi.
Việc có cần tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia hay không cần được xem xét trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
Tuy nhiên, theo bà Phương Nga, cần có kỳ thi để đánh giá năng lực của học sinh như kỳ thi THPT Quốc gia nhưng cần có sự đổi mới. Từ năm 2019-2020 cần hoàn thiện phần mềm quản lý thi. Bên cạnh đó là cần có ma trận tổ chấm thi, tránh hiện tượng các tỉnh bắt tay nhau, lách luật trong chấm thi. Từ năm 2021, từng bước Bộ GD-ĐT nên xây dựng ngân hàng câu hỏi phù hợp hơn theo đúng chuẩn năng lực đầu ra.
Bà Phương Nga cũng đề xuất nên tổ chức cho học sinh thi trên máy tính từ năm 2021-2023; từ năm 2024 có thể tổ chức thi chuyên nghiệp trên máy tính. Như vậy, học sinh có thể tự đánh giá năng lực của bản thân để có phương hướng chọn lựa ngành nghề phù hợp./.
Theo Bích Lan/VOV