Chuyện buồn sau ngày khai giảng năm học mới

Chủ Nhật, 09/09/2018, 08:49 [GMT+7]

Ngày khai giảng năm học mới, lẽ ra người lớn phải dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, nhưng thực tế lại có quá nhiều việc gây thiệt thòi cho các em.
 
Ngoài những lý do khách quan, bất khả kháng như thiên tai, bão lũ thì trong ngày khai giảng năm học mới, nhiều chuyện buồn lại do chính người lớn gây ra cho các em.

Lễ khai giảng năm học mới tại nhiều trường đã được tổ chức trang trọng, ngắn gọn, không còn cảnh “hành xác” học sinh như những năm trước. Hình ảnh con trẻ trong những bộ đồng phục học sinh, những bộ cánh mới, nét mặt hân hoan đã khiến không ít người xúc động nhớ lại tuổi thơ của mình.

Xúc động hơn khi trong lúc bao trẻ em được tung tăng chào đón năm học mới ở những ngôi trường khang trang, khô ráo sạch sẽ thì nhiều em nhỏ ở vùng lũ Tây Bắc, Thanh Hoá, Nghệ An... phải làm lễ khai giảng bên bờ suối, bên những lán tạm hoặc phải ghép với các trường khác. Đặc biệt, hình ảnh một số học sinh ở Điện Biên phải chui vào túi nilon để vượt lũ đến trường khiến nhiều người xót xa, lo lắng.
 

1
Hình ảnh vượt lũ đến trường khiến nhiều người thót tim.



Buồn và bức xúc hơn là hình ảnh các bậc phụ huynh và các em học sinh nhớn nhác trước cổng trường Pascal (Hà Nội) vì bị đổ cát, gạch trước cổng trường, thầy trò phải đi mượn địa điểm để tổ chức khai giảng. Sự thể xảy ra là do những mâu thuẫn làm ăn của người lớn. Dù các bên đã lên tiếng biện bạch cho việc làm của mình nhưng nói chung dư luận xã hội khó có thể chấp nhận việc làm của những người lớn, vô cùng phản cảm và phi sư phạm.

Lại nữa, mới ngày đầu năm học mới, hàng chục phụ huynh ở một ngôi trường tiểu học của huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã phải "đấu tranh" vì tình trạng lạm thu. Chủ tịch TP Hà Nội đã phải có văn bản chỉ đạo giải quyết vụ việc. Câu chuyện lạm thu có lẽ chưa dừng ở đây, nó sẽ còn âm ỉ diễn ra ở nhiều ngôi trường nữa nhưng không ai dám hoặc không muốn lên tiếng phanh phui.

Cũng trong ngày khai giảng, một ngôi trường ở quận Hoàng Mai đã đón hơn 1.000 học sinh lớp 1, trong khi trường này mới được thành lập chưa đầy 3 năm và mới chỉ có 4 lớp 5 ra trường. Với số học sinh “khủng” như vậy, nhà trường sẽ phải phân ra hơn 20 lớp 1, các lớp luân phiên nhau học – nghỉ.

Vì đâu nên nỗi? Xin miễn bàn luận, chỉ muốn hỏi các nhà quản lý nghĩ sao khi chứng kiến cảnh này?
 

1
Lễ khai giảng tại ngôi trường có hơn 1000 học sinh lớp 1



Cha tôi là người từng gắn bó với giáo dục hơn 30 năm, năm nay cụ gần 80 tuổi đã phải thốt lên “Tưởng xã hội phát triển thì con trẻ đi học phải sung sướng hơn chứ sao lại khổ thế này?”.

Sau lễ khai giảng được tổ chức theo nếp mới những tưởng sẽ chẳng có gì phải suy nghĩ, phải trăn trở nữa, nhưng thật sự những câu chuyện buồn này không dễ nguôi ngoai, mà hằn thành vết đau nhức nhối. Đến bao giờ việc học tập của con trẻ không còn là cuộc vật lộn, chen lấn, giành giật như thế nữa!?

 

 

Theo An Nhi/VOV.VN
 

.