Thành phố Điện Biên Phủ tăng cường xã hội hóa giáo dục trong xây dựng trường chuẩn quốc gia

Thứ Ba, 21/08/2018, 15:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thành phố Điện Biên Phủ xác định xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là điều kiện tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Vì vậy, trong những năm qua, thành phố đã đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhằm góp phần thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Nhiệm vụ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đã trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân về mục đích, vai trò của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn nhận được sự đồng thuận cao của các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân. Các nguồn lực huy động hỗ trợ cho giáo dục được sử dụng có hiệu quả. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, đồng thời xác định trách nhiệm của mỗi cá nhân trong sự nghiệp giáo dục nói chung và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nói riêng. 

x
Đến tháng 12/2017, TP. Điện Biên Phủ có 32/38 đạt chuẩn quốc gia. (Trong ảnh: Giáo viên trường Mầm non Hoa Ban sắp xếp đồ chơi chuẩn bị đón năm học mới)

 

Trong 20 năm qua (1997 - 2017), thành phố đã huy động được hàng chục triệu ngày công của phụ huynh các trường đóng góp để cải tạo khuôn viên trường lớp; huy động hàng chục tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân tài trợ để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và hỗ trợ các hoạt động giáo dục trong các nhà trường.

Đặc biệt năm 2003, Công ty Him Lam đã tài trợ đầu tư xây dựng trường THCS Him Lam với số tiền trên 12 tỷ đồng. Nhiều tổ chức, đoàn thể là đã cấp nhiều suất học bổng mỗi năm nhằm tăng cơ hội học tập cho trẻ em người dân tộc, gia đình chính sách, gia đình khó khăn được đến trường.

Chính vì làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đến tháng 12/2017, thành phố có 32/38 (trường công lập) đạt chuẩn quốc gia, đạt 84,2%; trong đó có 15 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II chiếm 60% số trường mầm non, tiểu học trong toàn thành phố, hoàn thành vượt mức kế hoạch tỉnh, thành phố giao.

Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trẻ từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi ra lớp đạt hơn 48%, tăng 23,5 % so với năm 1997, vượt chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2020 là 10,1%; Trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt gần 100%; Trẻ 5 tuổi ra lớp đạt gần 100%, tăng gần 5% so với năm 1997

Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%, tăng gần 5% so với năm 1997; Tỷ lệ huy động trẻ 6-10 tuổi học tiểu học đạt gần 100%, tăng 3,6% so với năm 1997; Tỷ lệ huy động trẻ 11 tuổi học lớp 6 đạt gần 100%, tăng 7,8% so với năm 1997; Tỷ lệ huy động dân số 11-14 tuổi học THCS là 99,5%, tăng 6,8 % so với năm 1997.

Dân số 15-18 tuổi ra lớp đạt 94,95%, tăng 20,4% so với năm 1997; Học sinh chuyển lớp tiểu học đạt 99,9%, tăng 2,7 % so với năm 1997; chuyển lớp THCS đạt 99,9%, tăng gần 3% so với năm 1997; hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, tăng 2% so với năm 1997; tốt nghiệp THCS là 100%, tăng 5% so với năm 1997.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng còn khó khăn đó là: Những năm đầu triển khai xây dựng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, giáo viên, nhân dân trong việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia còn hạn chế; Hầu hết các trường được đầu tư xây dựng đã lâu, vì thế điểm xuất phát về cơ sở vật chất ở các trường thấp, kết cấu các hạng mục công trình phần lớn qua tu sửa và cải tạo nên chưa đồng bộ, diện tích phòng học, phòng bộ môn không đảm bảo tiêu chuẩn; Diện tích, khuôn viên một số trường chật hẹp, vẫn còn có phòng học mượn (cấp mầm non), thiếu sân chơi bãi tập, thiếu phòng học chức năng...

Nói thêm về những khó khăn, đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Chất lượng đội ngũ giáo viên ở một số trường, một số cấp học còn nhiều điểm bất cập như cấp học mầm non, năm 1997 giáo viên đạt trình độ chuẩn chỉ chiếm 37 %. Cán bộ giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, thiếu đồng bộ về cơ cấu như: Thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tin học, nhân viên y tế, nhân viên thư viện, phụ trách thiết bị. Trình độ dân trí chưa đồng đều giữa các xã, phường. Chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch giữa các trường vùng thuận lợi và các trường vùng khó khăn.

Xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia là chủ trương lớn và mang tính chiến lược của Ngành Giáo dục và Đào tạo, nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới, mang đến cho học sinh môi trường giáo dục toàn diện, hiện đại./.

 

 

 

Diệp Xuân/Dienbientv.vn

.