Rà soát Thủ khoa "đầu vào" các trường công an, quân đội như thế nào?

Thứ Sáu, 10/08/2018, 14:28 [GMT+7]

Việc có rà soát lại Thủ khoa “đầu vào” các trường công an, quân đội nên được công khai minh bạch và chính xác từ việc chấm điểm của các thầy cô giáo.
 
Điều mà dư luận đang quan tâm là điểm số của những thủ khoa ở các trường trong ngành công an, quân đội có thực sự đúng với năng lực của các em hay không? Các trường có nhiều thủ khoa đến từ các địa phương đang vướng "lùm xùm" điểm số thi cử thì liệu có nên có cuộc rà soát, sàng lọc thủ khoa đầu vào hay không?

Nên công khai chất lượng học tập, danh tính của sinh viên

Đề cập việc rà soát lại điểm thi thủ khoa ở khối các trường công an, quân đội, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định: Việc tuyển sinh trên tinh thần tự chủ của các trường ĐH, học viện và việc đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh là do các trường có trách nhiệm thực hiện.

Trong trường hợp trường nào có đề xuất việc rà soát kết quả thi và nguồn tuyển sinh đầu vào, căn cứ vào điều kiện cụ thể, trong trường hợp cho phép, thẩm quyền, Bộ GD-ĐT sẵn sàng hỗ trợ các trường.

Tuy nhiên, việc rà soát, kiểm tra thủ khoa các trường công an, quân đội nên thực hiện như thế nào lại là vấn đề cần tính toán tiếp.
 

1
PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII


PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII nêu ý kiến, số lượng bài thi của những thủ khoa ở các trường công an, quân đội không nhiều lắm nên Bộ GD-ĐT nên cùng với các trường thẩm tra lại để các những thí sinh có trúng tuyển bằng chính thực lực học tập của mình yên tâm. Đồng thời cũng để dư luận xã hội không khỏi nghi ngờ nhiều về vấn đề này.

Để kiểm soát chất lượng thủ khoa các trường công an, quân đội, các trường nên công khai minh bạch chất lượng học tập của các em. Đồng thời cũng nên minh bạch việc thủ khoa vào trường là con em của ai. Làm được như vậy để các thí sinh nào là con em cán bộ lãnh đạo nhưng có ý chí phấn đấu cảm thấy tự hào về gia đình và tự tin hơn khi học tập.

Ngoài việc công khai minh bạch, rà soát “đầu vào” thủ khoa các trường công an, quân đội thì cũng cần nghĩ tới siết chặt “đầu ra” đối với các em. Việc làm này chỉ có thể thực hiện được khi các trường đánh giá đúng chất lượng học tập của em như thầy cô giáo phải chấm đúng kết quả học tập, rèn luyện của các em trong suốt quá trình học.

Muốn làm được điều này thì các trường ĐH phải đào tạo, rèn luyện cho tất cả các cán bộ có được sự liêm khiết. Ngoài ra, trách nhiệm của hiệu trưởng cũng rất quan trọng trong việc giám sát.

Đối với những trường công an, quân đội thuộc hệ dân sự, những sinh viên tốt nghiệp có đủ trình độ, năng lực hay không là do thị trường sẽ điều hành. Sinh viên nào làm được việc thì sẽ bám trụ được.

Còn đối với những trường công an, quân đội tuyển thí sinh mà “đầu ra” có ngay việc làm cũng cần có sự kiểm soát chặt chất lượng. Bởi vì những sinh viên này sẽ trở thành cán bộ, công chức và có thể là lãnh đạo ở các cơ quan Nhà nước.

Phải siết chặt “đầu ra”

Là một trường cũng thuộc tốp đầu, ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại cho biết, số lượng thí sinh và thủ khoa vào trường hàng năm đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Phải đến hết đợt đăng ký xét tuyển ĐH đợt 1 thì nhà trường mới biết rõ số lượng thí sinh nhập học và thủ khoa vào trường là như thế nào.
 

1
Ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại


Tuy nhiên, GS.TS Đinh Văn Sơn cho rằng, từ nhiều năm nay, việc những trường công an, quân đội thu hút những thí đạt điểm cao đầu quân xét tuyển là bởi trong suốt thời gian học, các em không phải đóng học phí, tốt nghiệp lại được phân bổ công việc luôn.

Còn chuyện có trường công an đề cập số lượng thí sinh đạt điểm cao đến từ những địa phương có bất thường như Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn là điều hết sức bình thường. Chúng ta nên chờ đợi động thái của Bộ Công an, Bộ GD-ĐT khi có sự thẩm tra, rà soát lại chứ không nên nghĩ rằng, thủ khoa đến từ các địa phương có nghi vấn về điểm thi có năng lực không thực chất.

Theo GS.TS Đinh Văn Sơn, việc có nên rà soát lại các thủ khoa đầu vào cũng cần thiết nhưng không quan trọng bằng việc siết chặt chất lượng “đầu ra” bằng những phương thức đánh giá về kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ... Theo đó, không phải những thí sinh nào có điểm “đầu vào” cao, trúng tuyển ĐH là có thể tốt nghiệp ĐH một cách dễ dàng.

Ở nhiều nước trên thế giới đã thực hiện được việc làm này rất hiệu quả và các trường ĐH nên áp dụng một cách nghiêm túc thì chắc chắn chất lượng thủ khoa đầu vào và đầu ra mới là thực chất./.

 

 

Theo Bích Lan/VOV.

.