Hàng trăm giáo viên tại Hà Nội có thể mất việc do lãnh đạo ký thừa?
Gần 300 giáo viên hợp đồng huyện Thanh Oai, Hà Nội đang đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng lao động ngay trong tháng 9 tới.
12 giờ trưa ngày 31/7, hàng chục giáo viên tại huyện Thanh Oai, Hà Nội vẫn đội nắng đứng trước cổng trụ sở UBND huyện Thanh Oai để phản đối quyết định chấm dứt hợp đồng với các giáo viên từ cấp mầm non đến THCS.
Một số giáo viên vì quá bức xúc nên tập trung đứng trước cổng UBND huyện Thanh Oai, Hà Nội. |
Theo phản ánh của các giáo viên, gần 300 giáo viên hợp đồng ở huyện Thanh Oai đang đứng trước nguy cơ mất việc do UBND huyện chấm dứt hợp đồng theo quyết định của thành phố.
Những người sắp bị chấm dứt hợp đồng phần lớn đều là những giáo viên lâu năm, có thâm niên từ 8-23 năm, độ tuổi chủ yếu là 40-45 tuổi và đều là giáo viên hợp đồng.
Cô L.T.D, giáo viên tiếng Anh trường THCS Xuân Dương đã gắn bó và công tác trong nghề giáo từ 1997 đến nay không khỏi hoang mang, lo lắng khi nghe tin huyện sắp cắt hợp đồng lao động.
“Những năm 1996-1997, chúng tôi dạy theo hợp đồng được Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai khi đó ký vô thời hạn. Mức lương lúc đó rất thấp, chỉ có 120.000 đồng/ tháng.
Khi thành phố tổ chức thi biên chế năm 1997, chúng tôi cũng thi, nhưng không được nên dù lương thấp vẫn đằng đẵng dạy hợp đồng ở trường. Hay tin huyện sẽ sa thải, chúng tôi rất bàng hoàng. Với lứa tuổi như chúng tôi thì rất khó để tìm được những công việc khác”, chị L.T.D bộc bạch.
Văn bản số 1020/UBND-NV của UBND huyện Thanh Oai có nhiều nội dung, trong đó có việc chấm dứt kí hợp đồng cho một số giáo viên. |
Mức lương thấp, trừ BHXH, mỗi tháng cô L.T.D nhận về chỉ vỏn vẹn 1 triệu đồng “tươi”. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, vật giá leo thang, cuộc sống của gia đình cô phần lớn phụ thuộc vào công việc của chồng. Những ngày rảnh rỗi, cô D vẫn ngồi khâu nón lá, kiếm thêm thu nhập.
“Chúng tôi bám trụ nghề cũng chỉ vì trót yêu cái nghiệp nghề giáo. Mức sống không đủ vẫn cố bám trụ. Đến tuổi ngoài 40 lại nghe tin bị sa thải, thử hỏi có ai không buồn”, cô D. tâm sự.
Cùng chung tâm trạng, chị N.T.N, giáo viên hợp đồng tại một trường THCS những ngày này cũng lo lắng không yên.
“Chúng tôi rất bức xúc trước cách giải quyết của UBND huyện Thanh Oai, không thể chỉ cần một chữ ký và đóng dấu là có thể ép chúng tôi rời khỏi bục giảng sau bao năm cống hiến. Ngay từ năm 2005, tôi đã phải bỏ ra hơn 2 triệu đồng để đóng BHXH, nếu giờ cắt hợp đồng, thì chúng tôi được giải quyết thế nào?
Chị N. băn khoăn, bởi trong diện hủy hợp đồng lần này, có những giáo viên đã trên dưới 50 tuổi, việc tìm một công việc mới là rất khó khăn. Nếu theo hướng các trường tư thục tuyển dụng, thì cũng chỉ nhận được một số lượng nhỏ, chứ khó lòng cùng lúc tuyển được hàng trăm giáo viên. Những người còn lại sẽ đi đâu về đâu?
Chị Đ.T.G, giáo viên trường THCS Thanh Thùy không khỏi tâm trạng khi nhận tin sẽ bị hủy hợp đồng ngay thời điểm cận kề năm học mới: “Nếu tính ra, chúng tôi chỉ còn được giảng dạy khoảng 4 tháng nữa. Dù có giảng dạy hay làm công tác chủ nhiệm cũng dang dở, bị phân tán tư tưởng. Công tác gần 8 năm, nếu đi xin việc thì cũng không biết làm việc gì. Huyện ký với chúng tôi hợp đồng dài hạn, nhưng đến nay lại đột ngột cắt hợp đồng. Thông báo nói rằng từ năm 2019 sẽ phân cấp ký hợp đồng cho trường. Nhưng huyện không rót ngân sách về, thì hiệu trưởng lấy đâu ra tiền để trả lương cho giáo viên”?
Giáo viên này cho rằng, việc thừa hàng trăm giáo viên hợp đồng là hậu quả của việc lãnh đạo "phóng tay" ký hợp đồng tràn lan: “Dù thừa giáo viên, nhưng UBND huyện và các phòng chức năng vẫn ký thêm hợp đồng, hay nhận biên chế từ các nơi khác chuyển về. Lãnh đạo ký thừa, sao bây giờ lại đổ đầu giáo viên, lại bắt chúng tôi chịu thiệt. Nay nhiều người đầu đã hai thứ tóc, đi làm công nhân cũng khó, giờ chẳng biết làm gì để nuôi mình và gia đình”.
Cũng theo phản ánh của các giáo viên hợp đồng huyện Thanh Oai (Hà Nội), dù đồng lương bèo bọt, thậm chí muốn có một suất hợp đồng cũng phải "bỏ vốn" vài chục triệu đến trăm triệu tiền “bôi trơn”, tuy nhiên họ vẫn cố lên lớp cũng chỉ vì lòng yêu nghề, mong muốn được làm đúng ngành và nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ được vào biên chế.
Thế nhưng, việc thi tuyển, cạnh tranh với những giáo viên trẻ vừa ra trường hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Đ.T.G phân tích: “Nếu như ngày xưa, chúng tôi học giỏi, kỳ nào cũng được học bổng thì cũng chỉ được đến bằng tốt nghiệp loại khá. Thế nhưng hiện nay, nhiều sinh viên có bằng giỏi, bằng xuất sắc, cách chấm điểm khác, những giáo viên lâu năm khó cạnh tranh. Đấy còn chưa kể đến chuyện có những người có khả năng nhưng không có tiềm lực thì cũng đành chịu”./.
Theo VOV