Từ vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang: Cần chấm lại theo xác suất ở các địa phương
Các chuyên gia cho rằng, Bộ GD-ĐT nên tiến hành chấm lại theo xác suất bài thi, đồng thời xem xét việc có nên tiếp tục để các địa phương chấm thi.
Kết quả chấm lại các bài thi THPT quốc gia tại Hà Giang cho thấy có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm chênh lệch hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Hàng trăm bài thi chênh lệch từ 8 điểm trở lên. Đáng quan ngại hơn khi có thí sinh tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với mức chấm thẩm định.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đây là sự việc rất nghiêm trọng của kỳ thi THPT quốc gia 2 trong 1. Kết quả của kỳ thi không chỉ dùng để xét tốt nghiệp THPT mà còn dùng để tuyển sinh cho các trường ĐH. Việc sai phạm tại Hà Giang sẽ làm suy giảm niềm tin trong xã hội với ngành giáo dục, xảy ra chuyện nghi kị giữa các địa phương về chất lượng giáo dục.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cơ quan về khảo thí của Bộ GD-ĐT có thể chấm lại điểm thi của các địa phương theo xác suất. |
“Tôi cho rằng kết quả chấm thẩm định của cơ quan khảo thí là hoàn toàn tin tưởng. Trước đó, có nhiều ý kiến nói rằng học tài thi phận, nhưng không thể hàng trăm thí sinh gặp may mắn như vậy. Nếu như chúng ta đã phát hiện những sai phạm thì cần xử lý nghiêm. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, phân tích cách tổ chức kỳ thi để khắc phục những kẽ hở cho tiêu cực nảy sinh. Nếu cần thiết, Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD-ĐT cần chấm lại điểm thi của các địa phương trên cả nước, có thể làm theo xác suất”, ông Nhưỡng nêu ý kiến.
Nên để địa phương chấm chéo
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, chuyên gia giáo dục, nguyên Thư ký Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đồng tình cho rằng đây là sai phạm đặc biệt nghiêm trọng: “Vụ việc chấm thi tại Hà Giang đã đánh động toàn bộ xã hội về tiêu cực đến mức trắng trợn và quá của ngành giáo dục. Hành động gian lận này đáng bị lên án, tùy theo mức độ có thể truy cứu để xử lý hình sự. Chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan Công an vào cuộc điều tra, cho thấy tác động xã hội lớn đến nhường nào, như vậy biện pháp xử lý cũng cần tương ứng”.
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất nên để các địa phương chấm chéo để hạn chế thi cực. (Ảnh: KT) |
“Trong vụ việc này, cũng phải nói rằng Bộ GD-ĐT đã thể hiện thái độ kiên quyết, không tránh né bất kỳ việc nào, nhanh chóng tìm ra khâu thiếu sót dẫn đến sai phạm”, ông Tiến nói.
Song ông Tiến cũng không khỏi e ngại cho rằng, vụ việc này có dấu hiệu sai phạm theo tổ chức, hệ thống chứ không chỉ đơn giản là của cá nhân.
"Từ thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã dóng chuông về tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục. Đây là những căn bệnh mãn tính của xã hội, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Chúng ta đổi mới giáo dục, nhưng vẫn nhiều vấn đề nảy sinh. Giáo dục luôn có những vấn đề của nó, nên không thể tự mãn, các nhà hoạch định chính sách nên tỉnh táo để khắc phục” - TS Phạm Đỗ Nhật Tiến.
Có kinh nghiệm lâu năm trong công tác giáo dục, TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho hay: “Tiêu cực thi cử tại địa phương đã biết từ lâu, nhất là trước kia còn thi tự luận, các địa phương đã thao túng rất khủng khiếp. Vì thế chúng ta mới khắc phục bằng thi trắc nghiệm vì nghĩ rằng máy chấm thì sẽ không thể tác động. Nhưng nay lại để xảy ra lỗ hổng, kể cả khi có máy chấm, con người vẫn có thể can thiệp được, ngoài việc khắc phục những hạn chế của thi trắc nghiệm, cần suy nghĩ đến việc có giao cho địa phương chấm thi hay không”?
Theo ông Tiến, nhiều nước trên thế giới áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đã thực hiện hoán đổi công tác chấm thi giữa các địa phương để khắc phục những tiêu cực nảy sinh. “Để các địa phương chấm chéo, đảm bảo không ai biết mình chấm của tỉnh nào thì sẽ không có tình trạng các tỉnh đi đêm với nhau”.
Cần chuyển dữ liệu về Bộ
Còn theo nhà giáo Bùi Việt Hà, giám đốc Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường, việc chấm thi trắc nghiệm THPT hiện nay đang có những kẽ hở như phiếu thi không có phách dẫn đến thông tin thí sinh luôn hiển thị trong suốt thời gian scan, nhận dạng, chỉnh sửa. Hơn nữa, ở khâu chấm tự động, dữ liệu đầu vào của chương trình chấm là file text nên dễ dàng bị sửa đổi và việc để các hội đồng trực tiếp vận hành công tác chấm cuối cùng là một sơ hở lớn.
Do đó, ông Hà đề xuất cần có thêm 1 kỹ thuật cho phép sau khi scan bài làm của học sinh (gửi về Bộ bản gốc). Trong khâu nhận dạng bài thi cần có 2 bước gồm: nhận dạng phần thông tin chung (phách phía trên) và nhận dạng phần bài làm phía dưới. Khi nhận dạng phần bài làm thì thông tin thí sinh cần phải được ẩn, như vậy quy trình sẽ phải tăng thêm 1 bước bảo mật.
“Không nên để việc chấm cuối cùng, trực tiếp bằng máy ở các hội đồng thi địa phương mà nên chuyển toàn bộ việc chấm cuối cùng này về Bộ và xử lý chấm tập trung trong phòng máy tính của Bộ. Như vậy các Hội đồng thi sẽ chỉ xử lý sơ bộ thông tin chấm thi”, thầy Bùi Việt Hà cho hay./.
Theo VOV