Đừng chọn cách sống thay con
“Dạy dỗ một đứa trẻ bây giờ rất khó. Một gia đình hạnh phúc hay tan vỡ có khi cũng vì những đứa con”.
Nếu trường học của con chưa chú trọng dạy kỹ năng sống, cha mẹ có thể chủ động rủ thêm những phụ huynh khác mời chuyên gia dạy kỹ năng cho trẻ, mỗi tháng một lần, cả cha mẹ cũng nên tham gia. Cha mẹ nên tạo những thói quen tốt cho mình, ví như thói quen đọc sách.
Thói quen này không chỉ giúp họ có thêm những kiến thức bổ ích về nuôi dạy con cái, về đời sống gia đình, kiến thức xã hội… mà còn làm gương cho con. Cha mẹ hãy là bậc thầy dạy kỹ năng cho trẻ từ những việc hằng ngày trong gia đình.
Thầy Nguyễn Thành Nhân cùng học sinh. |
“Dạy dỗ một đứa trẻ bây giờ rất khó. Một gia đình hạnh phúc hay tan vỡ có khi cũng vì những đứa con”. Ông Nguyễn Thành Nhân (Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương) đã đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp các bậc cha mẹ có thể trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để đứa trẻ tự tin bước vào đời, trở thành những con người sống có ích, có bản lĩnh.
PV: Thưa ông, trong giáo dục con cái, bố mẹ cần lưu ý điều gì để không biến con thành “gà công nghiệp”?
Ông Nguyễn Thành Nhân: Cha mẹ luôn mong muốn tìm kiếm môi trường học tập, vui chơi tốt nhất cho con mình. Tuy nhiên, mọi người thường chú ý đến việc nhồi nhét kiến thức mà chưa thực sự quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
Không ít đứa trẻ chỉ biết chúi đầu vào học, từ học ở trường đến các lớp học thêm, thậm chí cả trong những tháng hè. Với cách giáo dục đó, phụ huynh đang biến con em mình thành “gà công nghiệp”.
Để trẻ thành công, vững vàng trong cuộc sống sau này không đơn thuần là những điều trẻ học được từ trường học. Thành công của con người, ngoài học vấn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: kỹ năng thực hành xã hội, các mối quan hệ, đối nhân xử thế, trải nghiệm…
Do hoàn cảnh gia đình, ngay từ khi còn đi học, tôi đã đi làm gia sư để có tiền trang trải cuộc sống. Tiếp xúc với các em, tôi nhận ra một điều, các em thiếu những sân chơi bổ ích, thiếu kỹ năng sống, thiếu bản lĩnh vào đời. Vì thế, tôi đã phối hợp với Trung tâm Thanh thiếu niên Việt Nam (SYC) cho ra đời những khóa học ngắn ngày rất bổ ích với các em như: “Trui rèn và trưởng thành”, “Học làm người có ích”, “Học kỳ quân đội”… Những lớp học ngoài trang bị cho các em kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn… còn giúp các em khám phá khả năng tiềm ẩn, vượt qua chính mình, đánh thức những tình cảm tốt đẹp trong gia đình, xóa bỏ những thói hư tật xấu như tính ích kỷ, bạo lực học đường, thói vô cảm…
Tuy nhiên, giáo dục con người là cả một quá trình lâu dài chứ không chỉ qua một khóa huấn luyện ngắn ngày là các em lập tức có sự thay đổi. Vì vậy, nhà trường, gia đình cần tạo môi trường giúp các em được rèn luyện hằng ngày và từng bước trưởng thành.
Dường như trẻ em ngày xưa thuần tính và nhút nhát hơn bây giờ. Trẻ ngày nay cá tính, thẳng thắn bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình chứ không nhất nhất nghe theo lời bố mẹ. Theo ông, bố mẹ cần có cách ứng xử như thế nào?
Trẻ em ngày xưa khá thuần tính, vì thế bố mẹ thường có tâm lý áp đặt trong việc giáo dục con cái. Hiện nay không ít bậc cha mẹ đang áp dụng cách mà bố mẹ đã dạy họ để dạy dỗ con mình. Và kết cục đã có những mâu thuẫn, những phản kháng xảy ra khiến bố mẹ và con cái ngày càng xa cách.
Một đứa trẻ biết phản biện, có chính kiến là tốt, bố mẹ nên phân tích và hướng con cách lựa chọn. Ví dụ có thể phân tích cho con thấy, nếu con chọn cái này sẽ có kết quả như thế này, nếu con chọn cái kia sẽ có kết quả ra sao. Nếu là bố, là mẹ thì bố hay mẹ sẽ chọn cái nào, vì sao. Phân tích để con tự lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Bố mẹ đừng áp đặt, mệnh lệnh một chiều. Cuộc đời con là do con quyết định, bố mẹ đừng chọn cách sống thay con.
Bố mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng nhiều khi sự yêu thương không đúng cách lại vô tình làm con trẻ bị tổn thương. Có những bạn trẻ gửi cho tôi những dòng tâm sự chia sẻ về những nỗi đau và sự tổn thương mà mình phải trải qua. Có những khoảnh khắc là do các em đang trong giai đoạn ngang bướng và “nổi loạn” nên chưa hiểu hết được tấm lòng của cha mẹ. Nhưng cũng có nhiều trường hợp do các bậc phụ huynh vì không kiềm chế được cảm xúc, không kiểm soát được hành động và lời nói của mình đã gây ra những tổn thương cho con.
Mỗi đứa trẻ như một trang giấy trắng, cần lắm sự kiên trì và nhẫn nại trong giáo dục và răn dạy. Chúng ta có thể nghiêm khắc nhưng cũng phải có sự mềm mỏng. Và hơn hết là sự sẻ chia để hiểu con mình.
Xã hội hiện đại, cuộc sống hối hả, nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến cha mẹ ít có thời gian chăm sóc con cái. Họ thường tìm cách bù đắp cho con về vật chất, dễ dàng đáp ứng những đòi hỏi của con. Như thế có nên không thưa ông?
Tôi thấy trẻ em ngày trước tự phục vụ mình tốt hơn bây giờ. Ví như một đứa trẻ đi xe đạp đến lớp, những hỏng hóc đơn giản nó có thể tự chữa. Đi học về đói thì tự nấu nướng mà ăn. Nhưng hiện không ít đứa trẻ đã học cấp II, cấp III, thậm chí đại học, đi học về kêu đói là bố mẹ dù vừa đi làm về mệt cũng vội vàng vào bếp chế biến đồ ăn cho con.
Nhiều đứa trẻ chỉ biết học, còn việc nhà đã có bố mẹ, hay người giúp việc lo. Rồi là những đòi hỏi của trẻ, nhất là đòi hỏi về vật chất thường được bố mẹ dễ dàng đáp ứng. Tâm lý bù đắp vật chất ngày càng được các bậc phụ huynh áp dụng triệt để đã vô tình đẩy những đứa con của họ trở nên ích kỷ, đòi hỏi nhiều nhưng ít cho đi. Bên cạnh đó là tâm lý bao bọc con quá mức, không muốn con vất vả, việc gì khó một chút là làm thay con. Do đứa trẻ từ nhỏ đã không phải vượt qua thử thách nào nên dễ làm cho chúng lớn lên sống thiếu bản lĩnh.
Thay vì bù đắp về vật chất, bố mẹ hãy dành thời gian để gần gũi và hiểu con mình. Có những ông bố không tiếc thời gian cho bạn bè nhưng lại tiếc thời gian dành cho con. Sự ngang bướng và nổi loạn của con trẻ luôn làm cha mẹ đau đầu. Nhưng những vấp ngã của các em phần nhiều do bố mẹ thiếu sự quan tâm và cách tiếp cận cần thiết với con trong những giai đoạn quan trọng.
PV: Cảm ơn ông!/.
Theo VOV