Bộ GD-ĐT để địa phương tự rà soát kết quả thi: Sẽ khó tìm ra sai sót

Thứ Hai, 23/07/2018, 14:49 [GMT+7]

Việc Bộ GD&ĐT đề nghị chính những người tổ chức thi, chấm thi rà soát lại kết quả sẽ không có tác dụng, không thể phát hiện bất thường, hoặc gian lận.
 
Sau khi phát hiện sai phạm trong chấm thi tại Hà Giang và dư luận phản ánh một số bất thường về kết quả thi tại một số địa phương, ngày 20/07, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã đề nghị các cụm thi rà soát đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ GD&ĐT đề nghị chính những người tổ chức thi, chấm thi rà soát lại kết quả sẽ không có tác dụng phát hiện những điểm bất thường, hoặc gian lận trong kết quả thi.
 

1
Tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường về thi THPT ở Sơn La..


Theo công văn, Bộ GD&ĐT đề nghị Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức Kỳ thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi.

Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và căn cứ tình hình cụ thể có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo đúng quy định của Quy chế và pháp luật...

Mục đích của việc rà soát này nhằm đảm bảo công bằng, khách quan, kiên quyết nói không với tiêu cực, gian lận trong tổ chức thi và tuyển sinh. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc yêu cầu chính các địa phương rà soát lại kết quả của mình sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn là phát hiện các sai sót, tiêu cực trong khâu chấm thi.
 

1
Lâm Đồng và Lạng Sơn nói chưa phát hiện thấy bất thường trong kỳ thi THPT.


“Việc kiểm tra đấy có ý nghĩa là một là phản ứng kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước thông tin về những trục trặc xảy ra vừa rồi khiến cho công luận bất bình thì bây giờ có phản ứng về mặt quản lý nhà nước như vậy là cần thiết và kịp thời. Nhưng mà hiệu quả của nó nếu để chống gian lận thì nó không có ý nghĩa gì vì nếu người ta đã cố tình gian lận thì chính người ta kiểm tra lại việc mình làm là vô ích”, ông Lê Quốc Hạnh, nguyên Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Hà Nội nêu ý kiến.

Theo Giáo sư Đặng Ứng Vận, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình, việc đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi chỉ mang tính đáp ứng nguyện vọng của xã hội, mà không đảm bảo tính khách quan, nên sẽ khó phát hiện sai sót.
 

1
Tổ công tác của Bộ GD-ĐT tiến hành rà soát công tác chấm thi tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang.


“Trong tình thế hiện nay, rất nên tìm một bộ phận khách quan, chứ bây giờ lại giao cho chính những người chấm thi, chỉ đạo thi mà rà soát thì đây là cách mà theo tôi có lẽ là không tạo được niềm tin đối với xã hội trong trường hợp này. Theo tôi, rà soát lại thì không thể rà soát hết được mà nên rà soát theo xác suất, tức là chúng ta cố gắng làm thế nào đấy để rà soát lại cỡ được khoảng 10-15% toàn bộ bài thi. Thế còn bây giờ cứ lúc nào kêu lên thì làm, hoặc giao cho các tỉnh rà soát lại thì sợ là hiệu quả cả về mặt dư luận lẫn hiệu quả thực tế không được cao", Giáo sư Đặng Ứng Vận nói.

Một số ý kiến cũng cho rằng, từ khi các địa phương công bố kết quả thi, các nhà khoa học cũng đã phân tích nhiều điểm bất thường về điểm số của thí sinh dự thi năm nay.

Thế nhưng, việc rà soát này chỉ mang ý nghĩa là dịp để các địa phương tự kiểm tra xem quá trình tổ chức thi, đặc biệt là khâu chấm thi, nếu phát hiện sai sót thì báo cáo Bộ và sửa chữa, chứ không mang ý nghĩa là phát hiện những tiêu cực trong khâu chấm thi tại các địa phương nếu có.

Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân thì cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có các giải pháp khắc phục những “lỗ hổng” trong quy trình tổ chức thi, đặc biệt là khâu chấm thi để ngăn chặn những vụ việc tiêu cực có thể xảy ra.

“Sau những vụ lùm xùm này, Bộ cũng cần phải tổ chức lại cách chấm thi, sao cho nó có cơ chế kiểm soát tốt hơn và có sự tham gia nhiều hơn của các trường đại học vào khâu chấm thi, chứ khâu coi thi gần như là tốt rồi. Cần có sự tham gia nhiều hơn của các trường đại học, đặc biệt là trường đại học Trung ương. Còn đối với trường Đại học Kinh tế quốc dân thì cũng không lo về học sinh có chất lượng kém vào học vì cơ chế kiểm soát và đánh giá quá trình học rất là chặt chẽ, chuẩn đầu ra cao. Vì thế các em có vào, lực học yếu thì cũng không tốt nghiệp được, cũng phải buộc thôi học”, ông Triệu phân tích.

Đến thời điểm này, cùng với đề nghị các cụm thi tự rà soát, Bộ GD&ĐT đã thành lập 3 Tổ công tác để xác minh những dấu hiệu bất thường về kết quả thi và tổ chức chấm thẩm định tại 3 địa phương là Hòa Bình, Lâm Đồng và Bến Tre. Lâm Đồng công bố sau khi chấm thẩm định không phát hiện sai phạm gì.

Tuy vậy, điều mà xã hội kỳ vọng là việc rà soát tại tất cả các địa phương phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, có sự tham gia của các lực lượng thì mới có thể phát hiện được những sai sót, tiêu cực trong quá trình chấm thi, nhằm trả lại sự công bằng cho các thí sinh trong kỳ thi này./.

 

 

Theo VOV

.