Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Không có nhiều thay đổi so với năm 2017
Chiều ngày 15/6 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và chủ trì Hội nghị Công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018.
Cùng dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đại diện lãnh đạo các Trường Đại học và một số địa phương.
Theo báo cáo, về cơ bản kỳ thi THPT năm nay được giữ ổn định như năm ngoái và có một số vi chỉnh về mặt kỹ thuật như: Nâng cao độ phân hóa của đề thi; thí sinh đã đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp KHTN và KHXH thì phải thi đầy đủ hai bài thi mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT; thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp từ 20 phút rút ngắn xuống còn 10 phút; điểm thi được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Về cơ bản kỳ thi THPT năm nay được giữ ổn định như năm ngoái và có một số vi chỉnh về mặt kỹ thuật. (Ảnh minh họa). |
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và kiểm định giáo dục cho biết, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các Sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng về công tác thi; hoàn thành và đưa vào sử dụng các phần mềm; tổ chức và hoàn thành công tác đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển sơ bộ; hoàn thành việc lập điểm thi, phân và sắp xếp phòng thi. Dự kiến có khoảng 45.000 cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng tham gia phối hợp với các địa phương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Tại hội nghị, đại diện các trường đại học, cao đẳng đã đặt các câu hỏi hết sức chi tiết liên quan đến hướng dẫn thực hiện quy chế thi, xét tuyển đại học, cao đẳng, tập huấn, hỗ trợ kinh phí cho cán bộ coi thi. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phối hợp với các địa phương, đa dạng hoá phương thức tuyển sinh, phương pháp xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Cùng với những giải đáp ngay tại chỗ của lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng và kiểm định giáo dục, Vụ Giáo dục đại học, các ý kiến đánh giá cao những cải tiến, điều chỉnh trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Các trường cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố phổ điểm, mở cổng thông tin tuyển sinh… để các trường chủ động xác định sớm điểm sàn xét tuyển.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề nghị, các trường đại học phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hỗ trợ kịp thời cho cán bộ, giảng viên. Đồng thời, nhấn mạnh các trường đại học phải hết sức coi trọng công tác dự báo, cơ cấu nghề nghiệp để xác định chỉ tiêu, mở ngành đào tạo để tránh tình trạng “đưa chỉ tiêu nhiều nhưng thí sinh không vào”. Hiện có 60% các trường tham gia xét tuyển theo nhóm nhờ đó đã giúp ‘lọc ảo’ hiệu quả. Vì vậy, các trường nên nghiên cứu, tham gia tích cực. Bên cạnh đó, năm nay Bộ sẽ tăng cường hậu kiểm sau khi các trường công bố đề án tuyển sinh về chỉ tiêu tuyển sinh và xử lý nghiêm những trường vi phạm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, khi triển khai ổn định xong chương trình sách giáo khoa mới cũng như thực hiện đổi mới tương đối căn bản giáo dục đại học theo hướng tự chủ thì lúc đấy có chăng mới có sự thay đổi lớn về phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Chính vì vậy, trong một vài năm tới kỳ thi THPT sẽ ổn định theo hướng nhẹ nhàng hơn với xã hội, các phụ huynh, các cháu học sinh nhưng vẫn đảm bảo trung thực khách quan và an toàn.
Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia chứ không phải kỳ thi Đại học, vì vậy các phương thức tổ chức phải được triển khai một cách khách quan trung thực, để các Trường đại học lấy đó để tham khảo phục vụ cho công tác tuyển sinh của mình, cùng với đó các Trường Đại học cần tiếp tục đổi mới để sau này có kế hoạch kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Trong thời điểm này và một vài năm tới sự tham gia của các Trường đại học vào việc tổ chức kỳ thi này cùng với các Sở giáo dục và các địa phương là cần thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm liên quan đến đầu vào của các Trường Đại học mà là trách nhiệm của xã hội làm sao để cac trường đại học là nơi tập hợp các tinh hoa nhất của đất nước”./.
Theo VOV