Đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa gần 52% điều kiện kinh doanh giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề xuất cắt giảm 52% điều kiện kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Sáng nay (15/5), tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Theo phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gần 52% điều kiện kinh doanh trong 2 Nghị định của Chính phủ là Nghị định 73 và Nghị định số 46 sẽ được cắt giảm, đơn giản hóa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục không cần thiết sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư, tạo hành lang thông thoáng cho các cơ sở giáo dục phát triển. Tuy nhiên, Bộ cũng cần thống nhất cách hiểu và áp dụng các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các đơn vị, sở, ngành được giao cấp phép.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường đại học FPT nêu ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống nhất quan điểm quản lý hoạt động kinh doanh trong giáo dục theo hướng quản lý theo kế hoạch, tức là xem xét các điều kiện sau đó cấp phép, hoặc quản lý theo quan điểm hậu kiểm, tức là tạo hành lang pháp lý về mặt chất lượng, sau đó các đơn vị thực hiện trong khuôn khổ pháp lý đã được cho phép, cơ quan nhà nước kiểm tra giám sát để việc thực hiện thống nhất ở các địa phương.
"Về mặt nguyên tắc, đối với trường phổ thông đầu cấp, Bộ không đưa ra một quy tắc rõ ràng như các trường đại học. Khi đó, Bộ giao cho các địa phương, Sở Giáo dục - Đào tạo tư vấn cho UBND đưa ra cách thứ. Mỗi địa phương sẽ có sự khác biệt, từ đó, các trường tự chủ và Bộ kiểm soát trên quan điểm hậu kiểm", ông Tùng đề xuất.
Bên cạnh 110 điều kiện kinh doanh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đề xuất cắt giảm, các đại biểu cũng kiến nghị Bộ xem xét, cắt giảm thêm các điều kiện kinh doanh và thủ tục cấp phép liên quan đến điều kiện giáo viên dạy ngoại ngữ, tiếp nhận học sinh Việt Nam ở cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị trong phòng học của các trường tư thục... do không phù hợp với hoạt động thực tế của các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.
Bà Nguyễn Kim Dung, thành viên Nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đề xuất: "Theo quy định của Nghị định 73 hiện hành, các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài thành lập các cơ sở đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam thì phải được cấp 3 loại giấy phép là giấy phép đầu tư, giấy phép thành lập và giấy phép hoạt động. Trên thực tế khi thực hiện 3 loại giấy phép này thì điều kiện của đáp ứng cấp giấy phép thành lập và cấp giấy phép hoạt động gần như nhau. Do đó, nhà đầu tư đang đề xuất giảm giấy phép thành lập, chỉ còn 2 loại giấy phép là giấy phép đầu tư và giấy phép hoạt động. Với 2 thủ tục này là đủ để đảm bảo quản lý Nhà nước và cũng đủ đảm bảo các nhà đầu tư phải đáp ứng các quy định của Việt Nam".
Một số đại biểu cũng đề xuất việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cần phải được thực hiện đồng thời với cắt giảm thủ tục cấp phép. Lý do là việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là để tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho nhà đầu tư, tuy nhiên, cắt giảm điều kiện kinh doanh mà không cắt giảm thủ tục hành chính song hành thì hiệu quả cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ không cao./.
Theo Minh Hường/VOV