Trường nghề có dám cam kết trả lại học phí nếu ra trường thất nghiệp?
"Các trường nên tiến đến cam kết cụ thể ngành nào có việc làm ngay sau khi ra trường, mức lương bao nhiêu, nếu không làm được sẽ trả lại học phí".
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân tại Hội thảo đánh giá công tác tuyển sinh thi tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) tổ chức ngày (2/4).
Lễ ký kết giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các Hiệp hội về liên kết đào tạo nhân lực năm 2018. |
Tại hội thảo, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, trong năm 2017, công tác tuyển sinh đã có những chuyển biến tích cực, đạt chỉ tiêu kế hoạch, nhất là tuyển sinh trung cấp đầu vào là THCS, chất lượng đào tạo được cải thiện.
Tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số ngành nghề trên 90% với mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/ tháng. Các trường đã từng bước chuẩn bị được các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và bộ chương trình chuyển giao để triển khai đào tạo thí điểm theo tiêu chuẩn Úc từ tháng 1/2018.
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng đã thực hiện tốt nội dung gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động thông qua việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Nhiều trường có uy tín về chất lượng đào tạo nghề, có quan hệ tốt với doanh nghiệp, tỷ lệ HS-SV tốt nghiệp ra trường có việc làm ở mức cao, có trường tỷ lệ này đạt 100%.
Theo báo cáo của các Sở LĐ-TB-XH, với những lao động tốt nghiệp cao đẳng, mức lương khởi điểm bình quân đạt 5,2 triệu đồng/ tháng, học sinh tốt nghiệp trung cấp, có mức lương khởi điểm khoảng 4,6 triệu đồng/ tháng. Đặc biệt, một số ngành nghề có mức lương khá cao như Điều khiển phương tiện thủy nội địa (7 triệu đồng/ tháng), Vận hành cần, cẩu trục (6-8 triệu đồng/ tháng).
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy cũng cho rằng, năm qua, ngành giáo dục nghề nghiệp cũng đang gặp phải không ít vướng mắc.
“Đây là năm đầu tiên triển khai tuyển sinh, đào tạo theo quy định Luật Giáo dục nghề nghiệp, nên nhiều cơ sở GDNN còn lúng túng, vướng mắc như việc xét tuyển người học vào CĐ qua kỳ thi ĐH, chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng thực hành, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, thiếu tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo. Phương thức tuyển sinh đại học có sự thay đổi đã gây áp lực cho các cơ sở GDNN trong công tác tuyển sinh. Nhiều cơ sở GDNN tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường tuyển sinh được rất thấp. Mạng lưới GDNN còn cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp ngành, nghề đào tạo, hiệu quả hoạt động thấp, chưa hình thành được các trường chất lượng cao, trình độ quốc tế”, ông Hùng chỉ rõ.
Bên cạnh đó, ông Vũ Xuân Hùng còn tỏ ra lo ngại trước tình trạng nhiều địa phương hiện nay còn quá tập trung đầu tư cho học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, tốt nghiệp THPT vào đại học, đầu tư cho GDNN còn rất hạn chế, công tác hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT cũng chưa được thực sự quan tâm, dẫn đến khó khăn nhất định cho các trường nghề.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cho biết hiện Bộ có 14 cơ sở đào tạo CĐ, TC trên tổng số 26 cơ sở giáo dục. Trong đó, một số ít trường đào tạo những ngành nghề “độc đắc” như Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, chỉ tiêu mỗi năm không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 30 chỉ tiêu, người học từ 7-8 tuổi.
Ông Tuấn cho biết, năm 2017 công tác tuyển sinh tại các trường nghề khối ngành văn hóa nghệ thuật vẫn còn gặp nhiều khó khăn. “Nhiều trường về tận các địa phương, các khu vực vùng sâu vùng xa để chiêu sinh, nhưng cũng chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu. Với các trường TC, CĐ tại các địa phương, công tác tuyển sinh còn khó khăn hơn rất nhiều”.
Lý giải về vấn đề này, ông Tuấn cho rằng, một phần nguyên nhân từ chính đặc thù của các ngành đào tạo: “Tuổi nghề của các ngành về VHNT không dài, ví dụ như một nghệ sỹ xiếc chỉ làm được đến ngoài 20 tuổi. Sau đó họ làm gì? Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh của các trường”.
Bên cạnh đó, hiện nay các trường THPT, THCS thuộc quyền quản lý của Sở GD-ĐT, nhưng các trường CĐ, TC thuộc quản lý của các Sở LĐ-TB-XH. Sự liên kết giữa 2 sở chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến các trường khó tiếp cận tới nhu cầu người học. Đặc biệt, tâm lý chuộng bằng cấp, nhận thức về học nghề của nhiều học sinh vẫn còn rất hạn chế, dẫn đến việc tuyển sinh của các trường khó khăn.
Ông Lê Anh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, để bảo tồn những loại hình truyền thống có nguy cơ mai một như chèo, cải lương, ca trù, Bộ đã liên kết với các cơ sở như nhà hát, đào tạo theo nhu cầu, nhằm bảo tồn và phát huy những loại hình nghệ thuật truyền thống. Ông Tuấn cho rằng, cần tích cực đào tạo gắn với nhu cầu, để đảm bảo đầu ra cho người học.
Các trường cần mạnh dạn cam kết đầu ra
Trước những vấn đề khúc mắc trong công tác tuyển sinh được các trường nghề đặt ra, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân cho rằng, trong công tác giáo dục nghề nghiệp hiện nay, điều quan trọng là đào tạo phải có việc làm, mang lại thu nhập tốt cho cá nhân và gia đình.
“Nếu chất lượng đào tạo tốt, người học ra trường có việc làm tốt, thu nhập thì đương nhiên các trường sẽ tạo ra được sự bứt phá trong công tác tuyển sinh. Hiện nay các trường đều báo cáo là tuyển đủ, tuyển tốt, đào tạo tốt, nhưng trên thực tế, khi kiểm tra, chất lượng đào tạo và số lượng người học đều không đạt được như đã báo cáo. Vấn đề này, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến xã hội”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân yêu cầu các trường nghề mạnh dạn cam kết đầu ra cho người học. |
Thứ trưởng Lê Quân đề nghị các trường phải coi công tác tuyển sinh là phần ngọn, giải quyết việc làm, đầu ra mới là phần gốc của vấn đề.
“Tôi cho rằng các trường nên mạnh dạn cam kết học sinh, sinh viên ra trường có việc làm, thậm chí có việc làm ngay khi còn ngồi trên giảng đường. Cam kết cụ thể ngành nào có việc làm sau khi ra trường, mức lương bao nhiêu, nếu không làm được thì sẽ phải hoàn trả toàn bộ học phí. Chúng ta hoàn trả học phí chỉ là một phần nhỏ so với những tổn thất xã hội nếu đào tạo không hiệu quả. Tôi đề nghị các trường mạnh dạn cam kết, đặc biệt là những trường nằm trong danh sách trường chất lượng cao”.
Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, việc đào tạo của các trường phải sát với nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng, thiết kế chương trình đào tạo dễ hiểu, ngắn gọn, thực hành nhiều, ra trường có việc làm. Tránh tình trạng nhà trường dạy hết môn, hết tín chỉ, dạy hết chương trình, nhưng sau đó doanh nghiệp lại phải đào tạo lại./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN