Hạnh phúc giản đơn

Thứ Sáu, 09/02/2018, 14:09 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những tấm gương chẳng quản xa xôi, cách trở, không kể thành thị hay vùng núi, với niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và tình yêu nghề, những “con chữ” được nhào nặn bởi mỗi người thầy, người cô trên mảnh đất Điện Biên vẫn đang ngày ngày đơm bông, hiến dâng cho đời những đóa hoa thơm…

Những ngày cận kề năm 2018, qua thông tin “tiết lộ” từ bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo, chúng tôi về huyện đến thăm một người rất đặc biệt - cô giáo Ngô Thị Hương, người đã “dành nửa cuộc đời để gắn bó với nghề giáo vùng cao”. Dù trải qua nhiều địa bàn công tác khác nhau, nhưng cô vẫn một lòng gắn bó với nghề mình đã chọn.

Khi biết chúng tôi ngỏ ý viết về mình, cô Hương vừa cười vừa xua tay bảo: “Mình có gì đâu mà viết, ở vùng cao, còn nhiều thầy cô khác cũng vất vả chẳng kém, đáng được động viên hơn…”. Sau một hồi thuyết phục, trong ảnh mắt nhân hậu, cô Hương cũng chậm rãi kể về những kỷ niệm và quá trình công tác của bản thân.

Cô chia sẻ, một trong những nơi xa nhất mà cô từng dạy là điểm trường Huổi Nôm, xã Mường Khong. Nhắc đến đây, tôi chợt nhận ra đã có lần mình từng đặt chân lên mảnh đất ấy. Đó là một trong những bản khó khăn bậc nhất của huyện Tuần Giáo đến thời điểm này. Ấy vậy mà, bản thân cô Hương đã cắm bản ở đó gần mười năm trời vượt qua bao gian khó, bám lớp, bám bản lặng thầm “gieo chữ”.

Tốt nghiệp Trường nuôi dạy trẻ Lai Châu, năm 1987 cô Hương về công tác tại Trường Mầm non xã Quài Tở. Chính nơi này cô đã gắn bó với nghiệp “trồng người” suốt 20 năm. 20 năm giảng dạy tại Trường Mầm non Quài Tở, ngỡ tưởng sẽ gắn bó hết sự nghiệp tại đây nhưng đến giữa năm 2008, cô Hương chuyển đến công tác tại điểm trường Huổi Nôm, xã Mường Khong. “Tuần đầu tiên ở lại bản, nước mắt ngắn nước mắt dài.

Một phần vì nhớ nhà. Phần nữa vì lúc này các em học sinh ở đây không chịu đi học… khó vận động” – cô Hương vừa nói vừa cười. Cô còn nhớ, sau tuần đầu tiên nhận lớp giảng dạy, chỉ có 6 em đi học nhưng để vận động 6 em tới lớp cô đã phải bỏ ra 300 nghìn đồng tiền túi, mỗi em 50 nghìn để trao cho phụ huynh rồi đưa các em đến lớp ngồi nghe cô giáo giảng bài.

1
Không quản gian nan, hàng ngày, ngoài thời gian lên lớp, giáo viên Trường Mầm non Phu Luông (huyện Điện Biên) thay nhau vào trong khe núi cách trường 500m để lấy nước phục vụ sinh hoạt cho học sinh.

 

Dẫu vậy, mỗi buổi sáng, cô vẫn phải thường xuyên dạy thật sớm, đến gõ cửa từng gia đình có con trong độ tuổi thuyết phục họ cho con đi học. Cô Hương bảo: Nhớ cái ngày trời mưa khi mình nhận công tác trên này sau một tuần, đến một hộ gia đình xin bố mẹ cho cháu đi học, bố mẹ thì đồng ý nhưng học sinh ấy nói: “Đi trâu thôi, không đi học đâu”, thế mà sau này, trò ấy lại ngoan ngoãn và lễ phép nhất lớp.

“Thời gian đầu, do chưa quen với môi trường làm việc, điện không có, nước thiếu… nên từng nghĩ hay là mình dừng lại? Nghĩ rồi lại thấy thương lũ trẻ nghèo không biết chữ. Biết trên vai trọng trách nặng nề, mình quyết định vững trí theo ước mơ. Lâu rồi cũng quen, quen trường, quen lớp, quen công việc, quen học trò. Kể từ ấy, tình yêu nghề bắt đầu nhen nhóm và cho đến tận hôm nay”. Cô Hương chia sẻ.

Gần mười năm “gieo chữ” trên mảnh đất Huổi Nôm, cô đã vận động 100% học sinh ở độ tuổi tới lớp. Ngày ngày, kết thúc buổi học, cô lại cùng các em đi đào sắn, nhặt rau rừng về cải thiện bữa ăn. Mọi việc tắm, giặt, nấu ăn… cho gần học sinh đều một tay cô lo hết, bởi bố mẹ các em làm ở nương xa, sáng đi tối mới về. Cuộc sống dù khó khăn vất vả nhưng với cô Hương, đó là niềm vui mang lại hạnh phúc và là nghị lực để cô bám bản “trồng người”.

Một điều đáng kính nữa ở cô Hương mà chúng tôi biết được, đó là thời điểm ấy, Huổi Nôm nghèo lắm, tỷ lệ hộ nghèo lúc nào cũng từ 80% trở lên, tuy vậy cùng chia sẻ khó khăn với bản, cô Hương vẫn thường trích một phần lương của mình để mua thức ăn nuôi các cháu. Giờ đây, khi cô vừa đến tuổi nghỉ hưu song lúc nào cũng nghĩ đến học trò thân yêu. Trong ánh mắt hiền hòa, mái tóc đã ngả màu của thời gian, cùng với những dòng tâm sự, tôi hiểu rằng, điều hạnh phúc nhất với cô là được làm nghề giáo.

Ở Điện Biên, mỗi huyện, thị đều có đặc thù vùng miền khác nhau. Song với tình yêu và sự tâm huyết với nghề, mọi khó khăn, gian truân nào rồi cũng sẽ qua. Cũng như cô Hương và hàng nghìn giáo viên đang công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, với cô giáo trẻ Đào Thị Lệ Hồi hiện đang công tác tại Trường Mầm non Tìa Dình, xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) thì ngọn lửa nghề vẫn đang hừng hực cháy trong tim.

Vào ngành đã hơn 10 năm nhưng với cô kỷ niệm đáng nhớ nhất là thời gian khi chuyển vào Trường Mầm non Tìa Dình nhận nhiệm vụ. Mùa mưa, những con đường đất đỏ lầy lội, cách duy nhất để đến các điểm trường là đi bộ. Khó khăn tưởng chừng phải chùn bước thế nhưng với tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết cô đã gắn bó với trường từ năm 2009 đến nay.

Cô Hồi bộc bạch: “Ở đây, đời sống nhân dân khó khăn lắm, có những bản hộ nghèo đến 95%. Nhiều gia đình nghèo đói quanh năm do vậy chăm lo cho các con đến lớp rất sơ sài, nhiều bé áo quần áo mong manh với những đôi chân trần nứt nẻ, mặt mũi nhem nhuốc... Thấu hiểu sự khó khăn của các gia đình tôi cùng các đồng nghiệp tích cực kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức từ thiện hỗ trợ về quần áo, giầy dép, đồ dùng học tập cho học sinh…”.

Qua chia sẻ của cô Hồi, khiến tôi nhớ lại hình ảnh cô đã cảm động, vui mừng và rơi nước mắt khi nhận được những tình cảm, những món quà từ thiện cho học sinh nhà trường hồi tháng 1/2017 do Đoàn Thanh niên Tổng Công ty thăm dò, khai thác dầu khí Việt Nam trao tặng thông qua sự kết nối của Báo Điện Biên Phủ. Có thể nói, với cô giáo Đào Thị Lệ Hồi, sẽ chẳng có gì hạnh phúc hơn khi mỗi ngày được chứng kiến học sinh thân yêu khôn lớn, trưởng thành.

1
Cô Đào Thị Lệ Hồi cần mẫn giảng bài cho học sinh

 

Chúng tôi hiểu dù là ở thành thị, vùng sâu, vùng xa hay biên giới thì làm nghề giáo nơi nào cũng có khó khăn vất vả. Song quên đi khó khăn về vật chất, khoảng cách về địa lý với tình yêu sự nghiệp “trồng người”, các thầy, các cô đã cống hiến hết mình bằng cả trái tim. Và dù có công tác ở đâu chăng nữa, các thầy cô cũng đang dành cả tâm huyết cho nghề mình đã chọn. Chúng tôi tin rằng, “ngọn lửa” trong tim, “ngọn lửa” nghề giáo của các thầy, các cô sẽ không bao giờ tắt!

Một thông tin vui mà chúng tôi vừa nhận được từ bà Cao Mai Hoa, Phó Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thì năm 2017, trong ngành có hàng trăm cá nhân điển hình tiên tiến nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên thực hiện tốt các nhiệm vụ của đơn vị. Đặc biệt, cuối năm 2017 vừa qua, tỉnh Điện Biên có 10 nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận và trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đó không chỉ là tin vui đối với bản thân các thầy cô mà còn là niềm vui của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà.

 

 

CTV - Văn Quyết

.