Cho trẻ 3 tháng tuổi "đi học": Khó từ đội ngũ giáo viên
Để chăm sóc trẻ nhỏ từ 3 tháng tuổi, yêu cầu giáo viên phải có nhiều hiểu biết về y tế, dinh dưỡng, biết cách xử lý những tình huống khi trẻ gặp sự cố.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó có điều khoản quy định: Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp với nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng- 6 tuổi.
Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) lý giải đề xuất này của Bộ là có cơ sở, bởi hiện nay có khá nhiều bà mẹ nghỉ trước sinh từ 2 - 3 tháng. Do đó khi đi làm, nếu không có chỗ gửi con sẽ rất khó khăn. Từ thực tế trên, một số nhà máy, công ty đã thành lập nhà trẻ nhận chăm sóc con của người lao động ở độ tuổi còn rất nhỏ. Còn hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay mới chỉ nhận trẻ từ 12 tháng trở lên.
Đa số các trường mầm non hiện nay mới nhận trẻ từ 12 tháng tuổi. (Ảnh minh họa) |
Đơn cử như trên địa bàn Hà Nội, gần như không có cơ sở mầm non công lập nào nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi, chứ chưa nói đến trẻ 3 tháng tuổi. Trong vài năm trở lại đây, nhiều trường ở Hà Nội đang diễn ra cảnh bốc thăm để được học ở các trường mầm non công lập. Bởi ngoài các bé 5 tuổi, nhà trường có quyền từ chối các độ tuổi khác nếu không có chỉ tiêu.
Nhiều giáo viên mầm non lo ngại rằng, nếu quy định này có hiệu lực, nhiều trường sẽ rơi vào tình trạng quá tải.
Còn tại trường mầm non Lê Duẩn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, trẻ có độ tuổi thấp nhất mà trường nhận là 18 tháng. Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tại khu vực nông thôn như huyện Cẩm Xuyên, việc huy động cho trẻ từ 2 tuổi đi học đã rất khó khăn, bố mẹ đi làm, trẻ thường ở nhà với ông bà chứ không đến trường. Các cô phải vận động hết sức, mỗi lớp mới có 10-15 cháu đi học nhưng chưa đạt chỉ tiêu 25 cháu/ lớp như quy định của Bộ GD-ĐT. Như vậy, nếu đưa ra quy định mở lớp cho trẻ 3 tháng tuổi, e rằng sẽ không có đủ sỹ số, chưa kể đến còn nhiều khó khăn, hạn chế về đội ngũ giáo viên.
“Trông các cháu từ 18-36 tháng đã rất vất vả, khó khăn. Nếu nhận trẻ từ 3 tháng tuổi thì thực sự rất khó cho các cô. Ở độ tuổi này, các bé cần sự chăm sóc từ cha mẹ, đặc biệt là người mẹ, cô giáo cũng không thể bằng bố mẹ, nhiều khi sẽ gây khó khăn cho nhà trường”, cô Hà cho biết.
Cũng theo cô Hà, hiện nay những giáo viên trẻ có kiến thức, sức khỏe tốt thường được sắp xếp cho dạy các lớp mẫu giáo lớn từ 4-5 tuổi, vì ở độ tuổi này trẻ rất hiếu động, những giáo viên lớn tuổi hơn, hoặc sắp về hưu được đưa xuống dạy các lớp mầm non. Nếu mở lớp trông trẻ từ 3 tháng tuổi, sẽ khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên: “Các cô trẻ đôi khi còn vụng về vì chưa có kinh nghiệm chăm trẻ ở tuổi quá nhỏ. Cách nuôi một đứa trẻ ngày nay cũng đã khác xưa rất nhiều, nên các cô đã qua độ tuổi sinh nở, cũng rất khó”.
Ngoài ra, cô Hà cũng không khỏi băn khoăn, nếu thực hiện quy định này, các trường sẽ phải tuyển thêm lượng lớn giáo viên, trong khi hiện nay các bộ, ngành đều đang kêu gọi tinh giản biên chế. Quan trọng, chính sách này không thực sự cần thiết, nếu đưa vào triển khai sẽ dẫn đến tốn kém, lãng phí không đáng có.
Muốn mở lớp, giáo viên phải có nhiều bằng?
Nói về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho rằng, không chỉ những công nhân, lao động có thu nhập thấp mới cần đến việc gửi con dưới 6 tháng tuổi. Nếu quy định này được áp dụng, sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhiều đối tượng, tuy nhiên việc thực hiện lại không đơn giản.
Từng có thời gian sống, làm việc và nghiên cứu tại Đức, TS Thu Hương cho hay, ở quốc gia này, một số trường nhận trẻ khi mới 1 tháng tuổi, việc chăm sóc trẻ cũng diễn ra rất thuận lợi do các giáo viên được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức cần thiết.
“Trẻ từ 3-6 tháng tuổi, phần lớn thời gian các con nằm, không chạy nhảy vui chơi nên yếu tố về con người quan trọng hơn điều kiện cơ sở vật chất”, TS Hương nhấn mạnh.
Còn tại Việt Nam, bà Hương cho rằng, để có thể nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, các lớp mầm non cần đảm bảo những tiêu chí như 1 cô giáo trông tối đa 3 trẻ. Bên cạnh đó, các giáo viên phụ trách lớp cũng phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành mầm non, có bằng y tá, cơ sở được cấp giấy phép rõ ràng…
Đặc biệt quan tâm đến đội ngũ giáo viên trực tiếp chăm sóc trẻ, TS Vũ Thu Hương cho rằng, người chăm sóc cần có kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức để biết nên cho trẻ ăn gì, uống gì, xử lý ra sao khi trẻ hóc các đồ chơi… nếu không biết cách xử lý kịp thời dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Cũng theo bà Hương, để đáp ứng được những yêu cầu trên, chi phí gửi trẻ mà bố mẹ phải chịu sẽ ‘đội” lên nhiều so với các lớp bình thường, do đó, chỉ những gia đình có điều kiện mới có thể gửi con. Với những công nhân có thu nhập thấp, nên có sự chuẩn bị kỹ về mặt kinh tế để có thể an tâm ở nhà chăm sóc con ít nhất 6 tháng.
TS Hương cho rằng, tốt hơn hết, để giải quyết khó khăn cho đối tượng là người lao động thu nhập thấp, những chủ đầu tư tại các khu công nghiệp phải đứng ra mở lớp cho con em nhân viên, đảm bảo các yếu tố về vệ sinh, an toàn thực phẩm, giáo viên có trình độ.
Những cơ sở này sẽ đứng ra thu tiền của phụ huynh, được kiểm tra liên tục, nếu vi phạm sẽ bị kiến nghị lên Sở Kế hoạch và Đầu tư rút giấy phép kinh doanh.
Song bên cạnh đó, TS Vũ Thu Hương cũng tỏ ra lo ngại về tính khả thi của nội dung này trong dự thảo luật, khi ngành giáo dục mầm non hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập như việc đào tạo đội ngũ giáo viên còn khá dễ dàng, chương trình dạy còn chưa thực sự phù hợp: “Ở độ tuổi mầm non, các con cần được học những kỹ năng nhiều hơn là múa hát. Nhưng các cô lại chưa dạy cho các con được các kỹ năng cần thiết. Nếu các con có kỹ năng, các cô chỉ mất thời gian đầu, sau đó, các con có thể tự phục vụ mình, giảm bớt những áp lực cho các cô. Như vậy cũng sẽ không có chuyện cô không thể kiềm chế mà đánh mắng các con”./.
Theo VOV