Dự thảo luật giáo dục: Có tránh được kiểu quy định hay, áp dụng dở?

Thứ Bảy, 23/12/2017, 10:01 [GMT+7]

Trong Luật Giáo dục sửa đổi lần cần đưa vào điều khoản về áp dụng luật, nếu không quy định rất nhiều điều hay nhưng không áp dụng được với thực tiễn.
 
Trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đang lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội có rất nhiều điểm mới thu hút sự quan tâm của các trường và dư luận.
Hàng loạt yêu cầu về chuẩn văn bằng, nâng cao vai trò và hiệu quả của hội đồng trường, nâng cao tinh thần tự chủ toàn diện… đang đặt các trường vào bối cảnh phải đảm bảo chuẩn chất lượng để tăng tính cạnh tranh. Nếu được thông qua, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá cho giáo dục đại học trong nước.
 

1
Các trường đại học mong chờ những thay đổi đột phá từ Luật Giáo dục Đại học sửa đổi lần này.


Điểm mới thu hút sự quan tâm nhiều nhất của dư luận hiện nay trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi chính là việc không phân biệt bằng đại học chính quy và tại chức.
Dự thảo dự kiến chuyển từ hình thức giáo dục đại học chính quy và giáo dục đại học thường xuyên như hiện nay sang hình thức đào tạo tập trung và không tập trung.
Trong đó, đào tạo không tập trung bao gồm hệ vừa làm vừa học và đào tạo từ xa.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục – Đào tạo, đây là cách làm tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Thực tế nhiều nước phát triển hiện đã không phân biệt các loại văn bằng mà chú trọng vào quản lý để đảm bảo chất lượng.
“Cách gọi này chỉ khác nhau ở hình thức tổ chức đào tạo phù hợp với nhu cầu của người học. Còn lại, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, chuẩn giảng viên, điều kiện tổ chức dạy học giữa các hình thức phải như nhau”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.
Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết, sắp tới sẽ đẩy mạnh kiểm định chương trình đào tạo gắn với kiểm định quá trình tổ chức, quản lý đào tạo từng chương trình và việc cấp bằng cho chương trình đó tại các trường để siết chất lượng.
Do vậy, các trường buộc phải tăng cường công tác quản lý cũng như hậu kiểm thì mới có thể quản lý tốt chất lượng đầu ra của sinh viên.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho rằng: “Hướng đổi mới này phù hợp với điều kiện phát triển của giáo dục đại học hiện nay. Vấn đề là các trường phải đảm bảo tốt công tác đào tạo để đạt chuẩn đầu ra. Khi xác định chỉ còn lại loại văn bằng thì từ đầu vào đến quản lý đầu ra của các trường đại học phải mang tính hệ thống”.
Nâng cao quyền tự chủ toàn diện cho các trường đại học là nội dung được dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi lần này xoáy sâu.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động về tổ chức - nhân sự, tài chính - tài sản, đào tạo, khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế phù hợp với năng lực hiện có cũng như quy định của pháp luật liên quan.
Dù được quyền tự quyết nhưng các trường đại học không thể đưa ra mức học phí vô lý.
Khi đưa ra giá học phí, trường phải có đề án và giải trình thuyết phục những con số đó tương xứng như thế nào với chất lượng đào tạo.
Dự thảo cũng bổ sung doanh nghiệp là một trong các thành tố của trường đại học, học viện với mục tiêu thương mại hóa nghiên cứu khoa học.
Thế nhưng, vấn đề được nhiều trường quan tâm hiện nay vẫn là vai trò và thành phần của hội đồng trường.
Với dự thảo lần này, vai trò của hội đồng trường từng bước được mở rộng với nhiều quyền quyết định liên quan đến tổ chức nhân sự, đường hướng hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Thành viên hội đồng trường ngoài hiệu trưởng, hiệu phó, chủ tịch công đoàn, đại diện hội sinh viên... phải có ít nhất 25% là giảng viên khoa, bộ môn và tối thiểu 30% thành viên bên ngoài trường…
Bộ Giáo dục – Đào tạo cho rằng, những quy định này nhằm bảo đảm hội đồng trường có thẩm quyền cao nhất trong trường đại học.
Tuy nhiên, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP.HCM, Bộ Giáo dục – Đào tạo cần có giải pháp để hài hòa được vai trò của ban giám hiệu và hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục đại học.
Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn nói: “Chúng ta đang cố gắng tăng vai trò của hội đồng trường. Nhưng trong quá trình này, chúng ta không mong muốn hội đồng trường trở thành một bộ chủ quản thu nhỏ quản lý ban giám hiệu quá mức. Khi đó, ban giám hiệu sẽ không làm việc được”.
 

1
Cần có sự thống nhất để tránh những chồng chéo giữa Luật Giáo dục với các luật chuyên ngành.


Đánh giá cao những thay đổi trong dự thảo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học sửa đổi lần này thế nhưng Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng, cần có sự thống nhất để tránh những chồng chéo giữa Luật Giáo dục với các luật chuyên ngành khác thì mới có thể đổi mới giáo dục quyết liệt và đồng bộ.
“Trong Luật Giáo dục sửa đổi lần này cần đưa vào điều khoản về tính ưu tiên áp dụng luật này đối với các vấn đề liên quan đến giáo dục. Nếu không chúng ta quy định rất nhiều điều hay nhưng khi đi vào thực tiễn thì không áp dụng được do các luật chuyên ngành hoặc các nghị định dưới luật làm vô hiệu hóa các quy định của Luật Giáo dục”, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ nhận định.
Những điểm mới được đưa ra trong Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi mở ra nhiều hy vọng cho diện mạo mới của giáo dục đại học Việt Nam.
Vấn đề còn lại là Bộ Giáo dục – Đào tạo cần thiện chí lắng nghe ý kiến các trường, các đơn vị liên quan để có những điều chỉnh hợp lý trước khi trình Chính phủ vào cuối tháng 1 tới./.

 

 

Theo Mỹ Dung/VOV

.