Đề xuất bỏ "Chí Phèo" khỏi SGK: Sẽ phải bỏ nhiều tác phẩm khác?

Thứ Năm, 07/12/2017, 15:43 [GMT+7]

Đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK của Nguyễn Sóng Hiền đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều cho rằng anh chưa hiểu về bản chất của văn chương.
 
Mới đây, đề xuất đưa tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 của tác giả Nguyễn Sóng Hiền – nghiên cứu sinh tiến sỹ ĐH Newcastle, Australia đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội.

Theo anh Nguyễn Sóng Hiền, "Chí Phèo” một tác phẩm văn xuôi hiện thực của nhà văn Nam Cao được không ít học giả và nhà phê bình văn học Việt Nam đánh giá là một trong những tác phẩm văn học hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tuy nhiên, đứng trên quan điểm giáo dục, bản thân tác phẩm không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục,  ngược lại có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh lớp 11.
 

1
Hình ảnh Chí Phèo - Thị Nở. (Ảnh: KT)


Theo NCS Nguyễn Sóng Hiền, nhân vật Chí Phèo không thể là đại diện hay điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội. “Xuất thân là một đứa con rơi, không cha, không mẹ, không nhà cửa, không người thân, không được giáo dục. Chí được nhặt về nuôi và đi ở hết nhà này đến nhà khác. Nếu là đại diện cho tầng lớp nông dân thì thật mang tiếng cho nông dân mình quá. Chẳng lẽ nông dân mình chỉ toàn là con rơi? Bản thân của một đứa con rơi nó đã mang cho mình số phận thiệt thòi và nhiều bất công huống chi lại được sinh ra trong một xã hội lạc hậu và đầy rẫy bất công ấy”.

Cũng trong phân tích nhằm phản bác sự tồn tại hàng chục năm nay của tác phẩm "Chí Phèo" trong SGK, anh Nguyễn Sóng Hiền đặt ra câu hỏi, liệu Chí là người tốt hay người xấu?

Anh Hiền cho rằng: “Thật lạ lùng thay khi nhiều nhà phê bình và học giả còn hình tượng hoá cảnh Chí uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở và xem đó như sự thức tỉnh cái tính thiện trong con người Chí. Trong bất kỳ xã hội nào hành động cưỡng bức đó đều đáng lên án. Hắn đã phạm pháp dù về mặt nhận thức Chí không ý thức hành vi của mình nhưng về khía cạnh giáo dục đó là hành động cần lên án và phê phán. Mà cưỡng bức với một người thiểu năng như Thị Nở thì càng lên án và phê phán thích đáng hơn. Chúng ta không thể và không nên bảo vệ những hành vi trái pháp luật điều đó chẳng khác gì cổ xuý cho lớp trẻ để bắt chước làm theo".

"Dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa Chí vẫn là kẻ xấu”, do đó “cần phê phán những hành động lưu manh, thú tính của hắn”.

Đừng đọc văn chương theo lối dung tục hóa

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Anh Sóng Hiền biết rõ tác phẩm Chí Phèo là một tác phẩm văn học, nhưng đọc bài viết của anh, tôi thấy anh đã đọc truyện ngắn Chí Phèo không phải như một tác phẩm nghệ thuật, mà như một văn bản mang tính hình sự. Đó là cái nhầm tai hại, dẫn đến việc anh không thể hiểu hết về hình ảnh Chí Phèo”.
 

1
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. (Ảnh: Lao động)


Theo ông, ra đời từ năm 1941, truyện ngắn "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao không chỉ mang giá trị lịch sử, khi phản ánh được bối cảnh xã hội đương thời, mà còn phản ánh bi kịch khao khát được làm người nhưng lại không được làm người của Chí Phèo. Đồng thời, ông cũng đánh giá cao những sáng tạo nghệ thuật trong cách xây dựng tình huống truyện, cách mở đầu đầy ấn tượng bằng những tiếng chửi dài, chửi trời, chửi đất, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào đã sinh ra Chí Phèo, để từ đó gây ra những tò mò cho người đọc, phải đi sâu, khám phá, tìm hiểu để thấy được cuộc đời bi kịch của nhân vật.

Trong tác phẩm văn học, ngôn ngữ mà tác giả viết sẽ được mã hóa, người đọc, phê bình tác phẩm sẽ là người giải mã, từ đó mới dẫn đến việc mỗi người có một cách đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, sự mã hóa này phải được đặt vào đặc trưng của từng loại hình.

“Mỗi văn bản có cách đọc đặc trưng của nó. Ví dụ như văn bản pháp luật sẽ không được mơ hồ, đơn nghĩa. Còn văn bản văn học nghệ thuật nếu bắt viết như văn bản pháp luật văn học nghệ thuật cũng sẽ chết”, ông Nguyên nói.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng cho rằng, Chí Phèo là một nhân vật điển hình cho người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945. Minh chứng là trước Chí, đã có những con người khác cũng từng bị lưu manh hóa như Binh Chức, Năm Thọ. Quá trình lưu manh hóa, biến một anh Chí hiền lành, chất phác thành một thằng chuyên rạch mặt ăn vạ là lỗi của tầng lớp thống trị trong xã hội bấy giờ, được thể hiện qua hình tượng Bá Kiến, Lý Cường. Chí vốn không phải là kẻ ác, nhưng chính môi trường xã hội đã biến Chí thành một kẻ ác.

Những xung đột truyện tiếp tục đi lên với sự kiện ở vườn chuối. Tại đây, Thị Nở, một người xấu ma chê quỷ hờn đã gặp được Chí Phèo, một người bị xã hội biến thành xấu. Nhưng đó là 2 con người, chứ không phải 2 con thú,về bản chất, hành động đó quả thực là một vụ cưỡng hiếp giữa Chí Phèo và Thị Nở, nhưng cuộc giao hoan đó đã đánh thức phần người trong Chí, bằng chứng là Chí ốm.

Khi trở thành Chí Phèo, dù quăng quật suốt ngày ở ngoài đường, dù uống rượu nhiều đến thế nào, hắn cũng không ốm, vì con vật có bao giờ biết ốm. Nhưng qua cuộc tình với Thị Nở, hắn ốm. Cái cảm đó, là cái cảm của con người. Hắn bắt đầu có ý thức trở lại, hắn nhớ về những điều hắn từng mơ, về một gia đình, chồng làm vườn, vợ dệt vải, con cái quây quần. Tương tự, hành động đó cũng đã đánh thức bản năng đàn bà trong Thị Nở.

Sau khi ăn bát cháo hành của Thị Nở, lần đầu tiên Chí đến nhà Bá Kiến, nhưng không phải để đòi tiền, hay rạch mặt ăn vạ, mà để đòi lương thiện. “Như vậy, khi giảng, giáo viên sẽ phải dẫn dắt để học sinh hiểu được ý nghĩa của tác phẩm. Không thể nói rằng, những chi tiết này mang tính xúi giục học trò, tiếp tay cho xâm hại tình dục…”

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đặt ra câu hỏi: “Nếu nói theo cách của tác giả Sóng Hiền, không lẽ cũng sẽ phải bỏ hết những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, hay truyện Kiều của Nguyễn Du. Không lẽ, đọc truyện Kiều, sẽ xúi giục các cô gái đi lầu xanh, bán mình”?/.

 

 

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN

.