Băn khoăn việc Bộ GD-ĐT bỏ "lệnh cấm" thi tuyển vào lớp 6

Thứ Ba, 19/12/2017, 16:34 [GMT+7]

Lãnh đạo các trường THCS cho rằng việc bỏ “lệnh cấm” thi tuyển vào lớp 6 phải cần xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp.
 
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014.

Dự thảo bổ sung khoản 2, điều 4 của thông tư hiện hành: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Trong khi đó, Thông tư hiện hành chỉ quy định: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển”.

Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn.

Như vậy, chỉ những trường không thực hiện nhiệm vụ phổ cập, tuyển sinh học sinh theo đúng tuyến được phân công mới được phép có hình thức tuyển sinh kiểm tra, đánh giá năng lực.
 

1
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT cho phép các trường THCS có đông học sinh đăng ký được tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh (ảnh minh họa)



Sẽ xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp

Trước dự thảo của Bộ GD-ĐT, bà Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội bày tỏ sự vui mừng khi đọc các thông tin sửa đổi, bổ sung một số điều trong tuyển sinh THCS và THPT của Bộ GD- ĐT.

Năm 2014, khi còn được tổ chức thi tuyển lớp 6, trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành có 2.599 học sinh đăng ký dự thi. Nhà trường đã chọn được thế hệ học sinh giỏi. Đây cũng là nguồn học sinh chất lượng cao cung cấp cho cấp học THPT.

Tuy nhiên, 3 năm học vừa qua, ngành Giáo dục yêu cầu các trường xét tuyển theo học bạ đã khiến các trường gặp khó khăn vì đánh giá kết quả học ở các trường Tiểu học rất khác nhau.

Nếu Bộ GD-ĐT cho phép các cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh thì trường Nguyễn Tất Thành sẽ phải xây dựng phương án tuyển sinh sao cho hiệu quả.

Vẫn còn băn khoăn

Trước dự thảo mới của Bộ GD-ĐT, bà Nguyễn Thị Minh Thúy- Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Siêu Hà Nội nêu quan điểm, việc tuyển sinh đầu cấp THCS có học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu được giao chỉ diễn ra ở một số thành phố lớn.

Ngành Giáo dục đã phổ cập học sinh cấp THCS nên tất cả các địa phương, địa bàn đều phải có trường lớp để đảm bảo cho học sinh được đến trường. Thế nhưng, một điều bất cập là hiện nay, có một số trường THCS công lập có số lượng học sinh đăng ký vào trường đông hơn so với chỉ tiêu đề ra.

Vì vậy, chúng ta nên đặt vấn đề về tuyển sinh đầu cấp THCS ở những trường công lập đông học sinh có được tuyển sinh trái tuyến hay không. Nếu được tuyển sinh thì ngành Giáo dục cần có sự hướng dẫn tuyển sinh dựa theo địa bàn cư trú hay hộ khẩu.

Còn đối với các trường THCS ngoài công lập có số lượng đăng ký lớn hơn chỉ tiêu được giao, việc xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh nên dựa theo tiêu chí mô hình đào tạo, điều kiện của từng trường học. Ví dụ như trường THCS Nguyễn Siêu có mô hình đào tạo song ngữ nên tiêu chí tuyển chọn học sinh còn dựa trên năng lực ngoại ngữ của các em.

Năm 2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Trong đó, nêu rõ các trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức.

Từ năm học 2015 - 2016 đến nay, các trường điểm, trường chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội như: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, Lương Thế Vinh, Marie Curie...  chỉ thực hiện xét tuyển học sinh vào lớp 6 dựa vào kết quả 5 năm tiểu học của học sinh và các tiêu chí phụ.

Tuy nhiên, nhiều trường THCS lại cho rằng, việc tuyển sinh dựa trên học bạ có thể không chính xác. Điều đó được thể hiện khi việc kiểm tra kiến thức đầu năm học lớp 6, nhiều học sinh có học bạ đẹp nhưng kiến thức thực sự không như vậy. Mặt khác, có một số trường lại cho rằng, việc đánh giá kết quả học ở các trường Tiểu học rất khác nhau nên Bộ GD-ĐT cần sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh vào cấp THCS với trường có đông học sinh đăng ký.

 

 

Theo Bích Lan/VOV.VN

.