Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Nhìn nhận và hướng tới một Điện Biên phát triển nhanh và bền vững

Thứ Sáu, 09/10/2020, 07:02 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong 5 năm qua (2015-2020), việc thực hiện ba khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, sức cạnh tranh thấp, phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ ngân sách nhà nước.

1
Thành phố Điện Biên Phủ chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Đánh giá những hạn chế trong 5 năm qua cho thấy, việc thực hiện ba khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, sức cạnh tranh thấp, phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa vững chắc, sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng về điều kiện tự nhiên; công nghiệp chế biến nông sản và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp còn chậm phát triển; thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế còn hạn chế; một số chương trình, dự án trọng điểm chưa được Trung ương cân đối, bố trí nguồn lực để thực hiện, đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các đột phá chiến lược của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị.

Việc thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chiếm tỷ trọng thấp so với tổng chi ngân sách. Quản lý, khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển chưa tương xứng, nhất là tiềm năng lợi thế về sản xuất nông, lâm nghiệp, dịch vụ du lịch. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn hạn chế, nhất là quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng còn nhiều bất cập. Tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước còn cao. Tiến độ triển khai thực hiện một số chương trình, dự án, công tác giải ngân, thanh quyết toán các nguồn vốn đầu tư còn chậm so với yêu cầu.

Công tác Văn hóa, Y tế, Giáo dục có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Hiệu quả cai nghiện ma túy thấp, tỷ lệ tái nghiện cao. Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn chưa gắn với nhu cầu thị trường, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

Về An ninh, trật tự còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định, nhất là hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc, tuyên truyền, lôi kéo, kích động thành lập “Nhà nước riêng”; tội phạm và tệ nạn ma túy còn diễn ra phức tạp ở một số địa bàn; sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có mặt còn hạn chế.

Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nắm bắt, dự báo tình hình có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Công tác sơ kết, tổng kết một số chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh còn hình thức, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm; công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai nghị quyết ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa sâu, hiệu quả chưa cao.

Hoạt động của một số tổ chức trong hệ thống chính trị có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác cán bộ có mặt còn hạn chế; việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu; việc quản lý cán bộ, đảng viên có nơi chưa chặt chẽ. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn yếu; việc chấp hành nội quy, quy chế làm việc chưa nghiêm; chất lượng sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình ở một số chi bộ chưa cao.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy chưa thường xuyên, chưa chủ động, hiệu quả chưa cao. Tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, xử lý vi phạm sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán còn chậm, chưa triệt để.

Công tác nắm tình hình, vận động giải quyết tâm tư nguyện vọng và những bức xúc trong Nhân dân có lúc, có nơi, có việc chưa kịp thời. Triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đôi khi còn hình thức. Thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội có nơi còn lúng túng, hiệu quả thấp.

1
Quyết tâm xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững

Nguyên nhân những tồn tại hạn chế do Điện Biên là một tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông đi lại không thuận lợi, nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; phần lớn các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn có quy mô nhỏ, năng lực còn hạn chế; việc khai thác tiềm năng lợi thế, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào tỉnh và tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn hạn chế. Các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp. Một bộ phận người dân có trình độ nhận thức, phương thức canh tác còn lạc hậu.

Bên cạnh đó việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hết sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có mặt chưa đáp ứng với yêu cầu của công cuộc đổi mới hiện nay; sự phối hợp của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng có mặt chưa hiệu quả.

Việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo ở một số địa phương chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả. Một bộ phận hộ nghèo, người nghèo chưa có ý chí, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chế độ, chính sách ưu đãi chưa kịp thời, thỏa đáng để thu hút được người tài về công tác tại vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020, đồng thời xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020- 2025.

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội có chủ đề: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; Đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội; Bảo đảm quốc phòng, an ninh; Quyết tâm xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững."./.

 

Hương Trà/DIENBIENTV.VN

.