Vì sao Văn kiện Đại hội XIII đặt tầm nhìn đất nước đến năm 2045?

Thứ Hai, 13/04/2020, 08:03 [GMT+7]

Đặt mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chính là một điểm mới trong việc chuẩn bị Đại hội Đảng khóa XIII.

Đại hội XIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm Nghị quyết Đại hội XII gắn với đánh giá tổng quát quá trình đổi mới, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Đây là điểm mới của kỳ Đại hội lần này, nhằm vạch một cột mốc quan trọng, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ Hội nghị Trung ương 10, Khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các Tiểu ban soạn thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng phải có tầm nhìn dài hạn, phải dự báo và đưa ra các mục tiêu phát triển cho chặng đường dài hơi.

1
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

"Nói Đại hội XIII không phải chỉ đến 2026 mà phải có tầm nhìn chiến lược hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Vậy chúng ta định hướng, hình dung nước ta đến năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045 sẽ như thế nào" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết.

Theo như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thì “đây là việc vô cùng khó, không dễ”, đòi hỏi phải có tổng kết kỹ lưỡng và các dự báo, tầm nhìn trung và dài hạn phải thực sự nhạy bén, khoa học mới có thể đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2030 (tức là kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) và tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ (tức là đến năm 2045 vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước). Bởi lẽ, các kỳ đại hội trước thường chỉ đặt mục tiêu tầm trung là 5 năm mà dự báo nhiều khi còn chệch, mục tiêu phát triển không đạt.

1
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội.

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong Văn kiện Đại hội là báo cáo chính trị, báo cáo tổng kết lại toàn bộ quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đặt ra những vấn đề trong việc thể chế hóa đường lối Nghị quyết Đại hội XII, trong việc tổ chức thực hiện và đặt ra những vấn đề tiếp tục đổi mới, sửa đổi, bổ sung. Đây là vấn đề rất chiến lược mà Tổng Bí thư đặt vấn đề, không chỉ cho 5 năm tới mà có tầm nhìn nhiều năm sau, đặc biệt là sự kiện 100 năm thành lập nước.

Thực tế, kể từ sau đổi mới, Đảng cũng từng đặt mục tiêu phát triển với tầm nhìn trên 20 năm. Quan điểm của Đảng về xây dựng nước công nghiệp lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996). Đó là thời điểm rất đặc biệt: Đất nước trải qua 10 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới và đạt kết quả có tính bước ngoặt: thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tiến vào giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại hội VIII của Đảng đặt ra lộ trình “từ nay (1996) tới năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại”. Nhìn lại chặng đường kể từ sau Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn là mục tiêu, động lực xuyên suốt, tuy nhiên nhiều vấn đề về điểm hẹn trở thành nước công nghiệp được nhìn nhận lại.

1
Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Theo Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cần có một Văn kiện chính trị thật sự tầm vóc, kết tinh trí tuệ toàn dân, toàn Đảng. Văn kiện phải mang tinh thần thời đại và là Cương lĩnh hành động cách mạng, xứng đáng với lịch sử và kỳ vọng của nhân dân.

“Những vấn đề căn bản nhất hoạch định về mặt chính trị, phát triển đất nước tầm nhìn 2045 chuẩn bị ngay từ bây giờ. Vấn đề là tiếp tục tổng kết thực tiễn; phát triển đường lối chính trị; tiếp tục đẩy tới công cuộc đổi mới toàn diện đồng bộ mà Đại hội XII của Đảng vừa quyết sách. Đó là sự chỉ đạo mang tầm thực tiễn chiến lược. Không thể có 1 đường lối đúng khi chúng ta không tổng kết thực tiễn đúng" - ông Nhị Lê chia sẻ.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có một ý nghĩa đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ là Đảng không chỉ tổng kết 5 năm của nhiệm kỳ qua mà còn đánh giá lại 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, thậm chí nhìn lại một cách khái quát hơn trong quá trình 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991. Đặc biệt còn thể hiện ở định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

1
GS-TS Tạ Ngọc Tấn. Ảnh: báo Lao Động

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, đây là một tầm nhìn rất cụ thể và cần thiết. Tầm nhìn này chỉ cho chúng ta một định hướng lớn để có một kế hoạch cụ thể trong từng thời gian. Đồng thời cũng là vạch một mốc rất quan trọng để phấn đấu. Nhằm tới đích năm 2045 đất nước ta phát huy được khát vọng phát triển, thể hiện trách nhiệm của Đảng, toàn dân cũng như của mỗi cán bộ đảng viên. Tất cả tham gia một cách tích cực nhất, đóng góp trí tuệ, sức lực và tài năng của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, để đạt cho bằng được mục đích tốt đẹp mà Đảng đã đề ra.

Đặt mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chính là một điểm mới trong việc chuẩn bị Đại hội Đảng khóa XIII. Không chỉ hoạch định đường lối phát triển của đất nước 5,10 năm tới mà còn chính là hoạch định đường lối, một tầm nhìn dài rộng hơn đến giữa thế kỷ này. Mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề còn phải tiếp tục thảo luận, từ đó có thêm thống nhất trong việc xác định mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.

Link: https://vov.vn/chinh-tri/dang/vi-sao-van-kien-dai-hoi-xiii-dat-tam-nhin-dat-nuoc-den-nam-2045-1036244.vov

 

Theo Lại Hoa/VOV

.