Vì sao sau 20 năm, bản Di chúc của Bác Hồ mới được xuất bản?

Thứ Bảy, 18/05/2019, 16:45 [GMT+7]

Trong không khí đổi mới, Bộ chính trị quyết định công bố toàn văn Di chúc và ra một Chỉ thị để học tập và làm theo Di chúc của Bác.

Trước khi vĩnh biệt chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại một tài liệu tuyệt đối bí mật, sau này gọi là Di chúc. Tuy nhiên sau 20 năm Người qua đời, toàn bộ quá trình viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới chính thức được công bố vào năm 1989. Khi đó, Nhà xuất bản Sự thật vinh dự được Bộ Chính trị giao cho nhiệm vụ xuất bản tài liệu tuyệt đối bí mật này.

Là một trong số ít người may mắn được tham gia xuất bản toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Lưu Trần Luân - Nguyên ủy viên Hội đồng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết: “Trong không khí đổi mới, Bộ Chính trị quyết định họp xem xét toàn văn Di chúc của Bác. Đến lúc đó thấy nhất thiết phải đăng toàn văn Di chúc của Bác vì có liên quan đến nhiều điểm mới như miễn thuế nông nghiệp, việc riêng của Bác”.
 

1
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)


Trả lời băn khoăn vì sao sau 20 năm, bản Di chúc mới được xuất bản, Tiến sĩ Lưu Trần Luân giải thích: “Di chúc của Bác đã được công bố một phần ngay sau khi Bác mất, đến giữa năm 1989, đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác chuẩn bị trong nhiều năm thì quyết định gửi bản thảo Bác Hồ viết Di chúc, kể lại quá trình Bác viết Di chúc từ năm 1965 cho đến năm 1969 gửi đến Nhà xuất bản Sự thật lúc đó. Tác phẩm này có rất nhiều điểm mới, kể lại quá trình Bác Hồ viết Di chúc từ bao giờ, đến khi công bố cuốn sách. Như vậy, người ta hiểu Di chúc của Bác không chỉ có đoạn công bố như năm 1969. Vì vậy, trong không khí đổi mới, Bộ chính trị quyết định công bố toàn văn Di chúc và ra một Chỉ thị để học tập và làm theo Di chúc của Bác”, ông Lưu Trần Luân nhớ lại.

Chia sẻ về quá trình xuất bản toàn văn bản Di chúc lịch sử này, Tiến sĩ Lưu Trần Luân cho biết: “Nhà xuất bản Sự thật được giao cùng với Nhà in Tiến Bộ, tổ chức in ấn, xuất bản toàn văn Di chúc của Bác. Toàn văn Di chúc được đồng chí thủ trưởng của Cơ quan lưu trữ cùng với an ninh mang từ kho lưu trữ xuống nhà in. Tôi là một trong hai người may mắn của nhà xuất bản được giao tổ chức in ấn, xuất bản. Và việc này chỉ làm trong một đêm thôi, khoảng tháng 8 năm 1989. Sau đó, toàn bộ Di chúc của Bác lại được mang trở lại kho lưu trữ của Trung ương, còn hôm sau là công việc của nhà in. Số lượng in rất lớn, 100.000 bản, in bằng giấy cút-xê rất đẹp. Việc in trang trọng toàn văn Di chúc của Bác để phát hành cho cả nước, sau này nhà xuất bản có tái bản lần nữa, đến bây giờ vẫn tái bản”.

Cùng với Di chúc của Bác, khi đó, Bộ Chính trị cũng quyết định công bố ngày mất của Bác là ngày 2 tháng 9. Tiến sĩ Lưu Trần Luân cũng giải thích tại sao trước đó, Bộ Chính trị lại quyết định công bố ngày mất của Bác là vào ngày 3 tháng 9: “Chúng ta nên nhớ là Bác Hồ mất vào 9h47’ ngày 2/9/1969. Từ năm 1969 cho đến năm 1988 thì chúng ta giỗ Bác vào ngày mùng 3/9 vì năm Bác mất, Bộ Chính trị cân nhắc rất kỹ về việc Quốc tang mà lại trùng với ngày Quốc khánh. Do đó, Bộ Chính trị thấy cần thiết phải công bố vào ngày mùng 3/9. Nhưng đến năm 1989, trong không khí đổi mới, Bộ Chính trị do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư quyết định công bố toàn văn Di chúc và công bố ngày mất của Bác là ngày mùng 2/9, không phải mùng 3/9. Một số điểm mới trong di chúc cũng được thực hiện như Bác nói phải miễn thuế nông nghiệp cho bà con nông dân một năm thì Bộ Chính trị phải có quyết định, sau đấy là đến Quốc hội ra một nghị quyết. Mặc dù kinh tế còn rất khó khăn nhưng Bộ chính trị yêu cầu thực hiện ngay việc miễn giảm thuế nông nghiệp cho bà con nông dân trong một năm”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời căn dặn cuối cùng của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng. Thời gian càng lùi xa thì chúng ta càng hiểu rõ giá trị của bản di chúc lịch sử. Đánh giá những giá trị về mặt lý luận và thực tiễn của bản di chúc, Tiến sĩ Lưu Trần Luân nhấn mạnh: “Di chúc của Bác tập trung phản ánh trí tuệ, tình cảm, trách nhiệm của Bác với Đảng, với dân tộc, với đất nước và với nhân dân, dặn lại cho đời sau. Nội dung thì có rất nhiều điểm khác nhau nhưng tựu chung lại có hai việc lớn. Trước hết là chuyện riêng của Bác, đám tang của Bác không được tổ chức linh đình, còn dặn lại cho toàn Đảng, toàn dân rất nhiều. Nói về Đảng, Bác bảo sau chiến tranh phải chỉnh đốn lại.

Trong Đảng phải đoàn kết, phải giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Một điều nữa Bác dặn là đối với người có công với đất nước, bộ đội thanh niên xung phong cố gắng sử dụng, đào tạo họ thành lớp người vừa hồng vừa chuyên. Ở đây có một điểm rất ít người để ý, Bác có để lại mấy dòng này phòng khi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin. Bác muốn tiếp tục xây dựng chế độ cộng sản, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội là con đường tốt nhất mà Người chọn lựa. Như vậy, đến Đại hội VII, Đảng đã lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Suy nghĩ của cụ thâm sâu như thế”./.

 
 

 

Theo Văn Hồng/VOV

.