Mường Phăng ngày ấy, hôm nay…
Mường Phăng nay là Khu di tích lịch sử Mường Phăng, nơi gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ 65 năm về trước, nơi người dân nhớ mãi về hình ảnh vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp…
Nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng. Nguồn: SGGP |
Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy ở Mường Phăng, một xã nằm ở phía đông bắc Mường Thanh, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 40 km theo đường bộ.
Hiện nay, Mường Phăng có 33 bản, số dân khoảng ngót một vạn người, bao gồm các dân tộc Thái (70%), Khơ Mú (18%), còn lại là người Mông và người Kinh.
Bà con ở đây trồng lúa là chủ yếu. Ngoài ra, còn trồng các cây ăn quả như hạt dẻ, mắc coọc và dệt thổ cẩm. Mỗi năm hai vụ lúa, thu hoạch khoảng gần 500 kg thóc một người. Mường Phăng giờ có một trường mầm non, hai trường tiểu học, một trường trung học phổ thông cơ sở; đã có điện và nước sạch.
Năm 2004, sau nửa thế kỷ kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại chiến trường xưa, lên thăm nhân dân tỉnh Điện Biên.
Thật không thể nói hết được tình cảm và tấm lòng sâu nặng, ân tình của bà con địa phương đối với Đại tướng. Đồng bào Mường Phăng thật không ngờ có ngày được gặp ông tại xã nhà, trong khi tuổi Đại tướng đã cao, lại bận nhiều công việc. Khi đó, mặc dù đã ở tuổi 93, nhưng Đại tướng vẫn đến thăm nhiều nơi: Vào viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên; thăm tượng đài Chiến sĩ Điện Biên; về nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch và thăm đồng bào xã Mường Phăng... Đi đến đâu, ông cũng được nhân dân nồng nhiệt chào đón trong niềm vui và xúc động khôn tả.
Cụ Lò Văn Bóng nhận quà từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2004, dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng về thăm chiến trường xưa. Nguồn: SGGP |
Nhớ lại năm 1954, Sở Chỉ huy Chiến dịch đóng ở Mường Phăng hơn 5 tháng. Nhân dân địa phương khi ấy còn nghèo nhưng đã hết lòng chăm lo cho bộ đội, phòng trừ kẻ gian, giữ gìn bí mật tới cùng và góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch.
Giờ đây, từ già đến trẻ đều tỏ lòng ngưỡng mộ, kính trọng Đại tướng với tình cảm rất đặc biệt. Biểu hiện của tình cảm ấy và việc khu rừng Mường Phăng, nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch rộng 70 ha, đã được ông Lò Văn Bóng và nhân dân địa phương tự nguyện bảo vệ hầu như còn nguyên vẹn, nay khu rừng còn có tên gọi “Rừng ông Giáp”.
Nói chuyện với nhân dân xã Mường Phăng, Đại tướng gợi ý đồng bào ở đây có nghề truyền thống dệt thổ cẩm thì nên phát triển, dệt đẹp hơn, bán ra các tỉnh bạn và xuất khẩu. Ông biểu dương đồng bào Mường Phăng biết bảo vệ rừng trong nhiều năm qua và bà còn cần phát huy hơn nữa để đưa rừng phục vụ cuộc sống của làng bản.
Trước khia chia tay Mường Phăng, Đại tướng bày tỏ lòng mình với đồng bào:
- Tôi với nhân dân Mường Phăng thì còn nhiều chuyện để nói lắm, nói ngày nay sang ngày khác cũng không hết. Nhưng tạm ngừng ở đây để bà con đi nương, làm rẫy...
Tiếng vỗ tay của hàng nghìn người vang lên không dứt. Đại tướng tặng quà cho bà con và còn tặng quà riêng cho ông Lò Văn Bóng. Còn nhân dân trân trọng tặng Đại tướng các đặc sản của địa phương…
Ông Lò Văn Bóng nay tuổi đã cao nhưng khi có khách đến thăm, ông vẫn rỉ rả tâm sự:
- Tôi sắp gần đất, xa trời rồi; chỉ một nỗi băn khoăn, sau này, liệu con cháu có giữ nổi rừng Mường Phăng không? Đấy là rừng nghĩa, rừng tình, gắn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với chiến thắng lẫy lừng của nhân dân ta. Vì vậy, phải bảo nhau, nối tiếp nhau mà giữ gìn khu rừng ấy. Không có những ngày lịch sử đáng nhớ ấy thì làm sao dân Mường Phăng có nhà cao, nhà rộng, ruộng đồng trù phú, ấm no, con cháu được học hành… như ngày hôm nay.
Thế hệ tương lai ở Mường Phăng hôm nay |
Cù Lù Thị Lội, 102 tuổi, người dân tộc Thái, là một trong số người cao tuổi nhất ở Mường Phăng, cũng có những suy nghĩ như ông Bóng. Cụ phấn khởi, cởi lòng, cởi dạ:
- Dân xã Mường Phăng giờ đây sung sướng lắm mà! Cái năm 2004 ấy Đại tưởng lên thăm Điện Biên, sau cái bắt tay, liền ôm lấy tôi, nước mắt trào ra, coi như người trong một nhà... Đại tướng nhớ năm xưa tôi là cán bộ phụ nữ xã, từng xay thóc, giã gạo, gùi lên núi tiếp tế cho bộ đội; vận động bà con dân bản góp 9 tấn gạo, 5 con trâu, ủng hộ cách mạng. Ngần ấy thời gian qua đi, Đại tướng vẫn nhớ, coi chúng tôi như anh em ruột thịt. Đó là cái nghĩa, cái tình của người chiến sĩ cách mạng đối với nhân dân.
Theo Chinhphu.vn