Điện Biên cần rà soát lại cơ chế, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 16/05/2019, 07:43 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tiếp tục chương trình công tác, chiều 15/5, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra sơ kết 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do bà Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Điện Biên. Làm việc với đoàn có các đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Trọng Khôi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và một số sở, ban, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh dạo, chỉ đạo, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Hiện nay, toàn tỉnh có 326/510 trường mầm non và phổ thông đang hoạt động giáo dục đạt trường chuẩn quốc gia (đạt gần 64%). Đến nay, hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã đưa nội dung giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương đối với thế hệ trẻ của tỉnh.

d
Bà Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Điện Biên

 

Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” đạt được những kết quả quan trọng, chất lượng ngày càng được nâng lên. Việc xây dựng gia đình, tộc họ, thôn, bản, cơ quan, trường học văn hóa đã có tác động tích cực đến đời sống văn hóa từ cơ sở, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 63,1% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; Gần 62% thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; Gần 91% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được hạn chế và xóa bỏ. Phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở phát triển mạnh. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, di tích văn hóa, lịch sử được chú trọng.

Toàn tỉnh hiện có 22 di tích được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ); 13 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Điện Biên đã kiểm kê di sản văn hóa của 18/19 dân tộc; có 27 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú; có 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia.

Hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế về văn hóa được quan tâm; các hoạt động giao lưu, đối ngoại, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, du lịch với nước ngoài được tăng cường và mở rộng.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn và các sở, ban, ngành tỉnh đã thảo luận xoay quanh một số nội dung về công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch, quảng cáo; công tác xây dựng nông thôn mới; khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kiểm soát những thông tin trên mạng internet; hoạt động Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh; công tác chiếu phim lưu động tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa; công tác giáo dục - đào tạo...

Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên, bà Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đánh giá cao những kết quả mà Điện Biên đã đạt được trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW những năm qua; đồng thời đề nghị thời gian tới tỉnh nên rà soát lại cơ chế, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số; sắp tới sẽ diễn ra đại hội đảng, do đó các cấp lãnh đạo nên nhìn lại các vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa con người để đưa vào nghị quyết của chính cấp ủy mình, lựa chọn vấn đề xác đáng và tổ chức thực hiện nghiêm túc; khuyến khích phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các đoàn thể, tổ chức và công dân trong thực hiện công tác cải cách hành chính./.

 

Diệp Xuân/DIENBIENTV.VN
 

.