Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên tham gia thảo luận một số nội dung của Dự án Luật Kiến trúc
Điện Biên TV - Chiều ngày (21/5), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc và thảo luận ở hội trường về Luật Kiến trúc.
Đại biểu Mùa A Vảng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận. |
Phát biểu tham gia tại phiên thảo luận, đại biểu Mùa A Vảng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong Luật Kiến trúc và giao cho Ủy ban Nhân dân tỉnh có trách nhiệm quy định bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc.
Tuy nhiên, theo đại biểu, luật nên quy định mở hơn về quản lý kiến trúc đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; cụ thể là “căn cứ những đặc trưng cơ bản về bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với văn hóa địa phương mình quản lý”.
Về Quy chế quản lý kiến trúc, dự thảo luật quy định “Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy chế quản lý kiến trúc, trình Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh xem xét thông qua, trước khi Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; đối với quy chế quản lý kiến trúc đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc Trung ương thì phải có ý kiến của Bộ Xây dựng”.
Tuy nhiên, theo đại biểu, quy chế quản lý kiến trúc các đô thị từ loại III trở lên mà đô thị đó là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh thì nên quy định có ý kiến của Bộ xây dựng. Vì cho rằng, quy định như vậy đảm bảo tương thích với quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và Luật số 35 luật sửa đổi 37 luật liên quan Luật Quy hoạch, hơn nữa cần có sự quản lý về mặt chuyên môn để đảm bảo sự thống nhất kiến trúc mang đặc trưng chung văn hóa Việt Nam, không để mỗi địa phương có một kiểu kiến trúc mà lại không phù hợp với kiến trúc truyền thống và văn hóa Việt Nam.
Về thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc, đại biểu đồng tình với quy định giao cho “tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc’’; mà không nên quy định hai chủ thể cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc như dự thảo luật, chỉ nên giao thẩm quyền cho Ủy ban Nhân cấp tỉnh thu hồi chứng chỉ hành nghề kiến trúc thay vì quy định cấp, gia hạn, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc như dự thảo luật.
Về trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã, theo đại biểu, dự thảo luật quy định còn chung chung, việc áp dụng ở cơ sở sẽ gặp khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về kiến trúc, nhất là quản lý kiến trúc ở khu vực nông thôn. Do vậy, đề nghị luật nên quy định cụ thể hơn để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về kiến trúc.
Về điều kiện hoạt động của tổ chức hành nghề kiến trúc, đại biểu đồng tình phương án 1 của dự thảo luật. Tuy nhiên, đề nghị xem xét một số nội dung quy định tại các điều, khoản của dự thảo luật đảm bảo cho phù hợp, thống nhất.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ cùng với Chính phủ tiếp thu tất cả các góp ý, rà soát tất cả các nội dung của dự thảo luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
BT/DIENBIENTV.VN