Phó Thủ tướng Thường trực: Mở đợt cao điểm trấn áp khai thác cát trái phép
Đây là chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại cuộc họp sáng 3/4, tại Trụ sở Chính phủ về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Có tàu hút cát trái phép thu lợi gần tỷ đồng mỗi ngày
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác quản lý khai thác cát sỏi đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện nay tình hình khai thác trái phép cát sỏi trên các tuyến sông và cửa biển ở nhiều địa phương tái diễn trở lại, đối tượng khai thác trái phép hoạt động tinh vi, lộng hành vì lợi nhuận cao, các quy định của pháp luật chưa đủ răn đe, chế tài còn nhẹ, nên đối tượng khai thác cát trái phép chấp nhận bị xử lý hành chính. “Tôi nghe phản ánh, có tàu hút cát trái phép thu lợi gần tỷ đồng ngày”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Bên cạnh đó, quan hệ phối hợp giữa các địa phương giáp ranh chưa tốt, công tác tuyên truyền chủ yếu tập trung vào phản ánh vi phạm, chính quyền một số nơi quản lý chưa tốt, có nơi người dân đơn độc chống lại cát tặc… Do vậy, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, phải xác định trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra khai thác cát trái phép. Nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.
Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân và các bất cập, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát sỏi trái phép và kiên quyết ngăn chặn tình trạng này, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, địa phương thời gian tới.
Đó là, các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao trách nhiệm và nhận thức của các cấp chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn khai thác cát trái phép, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các bộ ngành, địa phương và đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, lĩnh vực nào để xảy ra khai thác cát trái phép hoặc để tình trạng lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng lạch để khai thác cát sỏi cũng như lập các bến bãi tập kết cát sỏi trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng thì phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.
Chỉ đạo giám sát các chủ đầu tư khi tiến hành ký hợp đồng giao thầu các dự án xây dựng công trình có sử dụng cát sỏi làm vật liệu xây dựng, phải chứng minh bằng văn bản về nguồn gốc hợp pháp của cát sỏi. Đối với dự án nạo vét bến cảng, luồng lạch, dòng chảy có thu hồi cát sỏi, chỉ thanh toán khối lượng đã đăng ký theo quy định.
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đơn vị liên quan trong quản lý, xử lý vi phạm nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả vi phạm trong lĩnh vực này. Tăng cường quản lý khai thác cát sỏi tại những khu vực lòng sông giáp ranh giữa các địa phương, tiếp tục rà soát để điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy định về thăm dò, khai thác và sử dụng cát sỏi trên địa bàn. Đẩy mạnh vai trò giám sát của các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở trong việc thực hiện hoạt động khai thác cát sỏi tại địa phương.
Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Công an chủ động nắm chắc tình hình, tổ chức đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm, tập trung vào những địa bàn giáp ranh phức tạp, các dự án công trình có sử dụng số lượng lớn cát sỏi san lấp; chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố có ranh giới trên sông tăng cường phối hợp tuần tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý chủ phương tiện sử dụng tàu thuyền hút cát trái phép trên sông ở những vị trí giáp ranh.
Nghiên cứu, đề xuất bổ sung chế tài xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, vận chuyển tiêu thụ cát sỏi trái phép, tăng tính răn đe, tăng cường mở các chuyên án đấu tranh trong lĩnh vực này.
“Mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát sỏi trái phép tại các địa phương từ ngày 1/5/2019 đến 31/7/2019 và lập đoàn liên ngành kiểm tra một số địa phương để tình trạng này diễn biến phức tạp”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Gắn thiết bị đối với tàu khai thác cát, camera an ninh để giám sát khai thác cát
Đối với Bộ TN&MT, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 33/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi khai thác cát sỏi trái phép. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, phát hiện và xử lý hoạt động khai thác cát sỏi trái phép giữa các lực lượng kiểm tra chuyên ngành như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát môi trường, Cảnh sát giao thông đường thuỷ, thanh tra chuyên ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là khu vực lòng sông giáp ranh giữa các địa phương.
Bộ Xây dựng chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó cân đối cung cầu cát sỏi lòng sông theo hướng hạn chế việc khai thác cát tự nhiên, tăng cường sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong nghiên cứu vật liệu mới. Tăng cường công tác kiểm tra lĩnh vực quản lý về vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại các địa phương.
Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan lập kế hoạch tổng điều tra, kiểm tra các phương tiện thủy, yêu cầu bắt buộc tháo dỡ các máy móc, thiết bị dùng để khai thác cát trái phép. Tịch thu thiết bị, đình chỉ hoạt động phương tiện cố tình vi phạm, chỉ cấp đăng ký, đăng kiểm đối với các phương tiện có gắn máy móc, thiết bị hút cát sỏi cho các đơn vị có giấy phép khai thác cát, tham gia thi công nạo vét.
“Gắn thiết bị đối với tàu khai thác cát, camera an ninh để giám sát việc khai thác cát cũng như tăng cường quản lý doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn, kiểm tra các công trình xây dựng, tạo điều kiện cho người dân và cơ quan dân cử tham gia giám sát, bảo vệ người dân khi đấu tranh với cát tặc”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Đối với công tác tuyên truyền, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tăng cường truyền thông vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động này, chủ động phát hiện đưa tin kịp thời về những hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, cung cấp thông tin chứng cứ cho cơ quan có thẩm quyền, đề xuất các giải pháp thực hiện.
Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ tiếp thu ý kiến, xác định mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu trong việc đấu tranh với tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn.
“Cát tặc” phải xử lý hình sự như tội trộm cắp tài sản
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, cát tặc lộng hành, coi thường và thách thức pháp luật, gây bức xúc xã hội, ảnh hướng đến cuộc sống của người dân. Bộ TN&MT đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị về vấn đề này, đã có 48 địa phương ban hành quy chế phối hợp liên tỉnh chống khai thác cát sỏi trái phép. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, chúng ta chưa có đánh giá cụ thể về tác động và hậu quả của việc khai thác cát sỏi đối với dòng chảy, sạt lở…
Đồng thời, tán thành quan điểm của lãnh đạo một số địa phương về tăng chế tài xử phạt với “cát tặc”, xử lý hình sự như tội trộm cắp hoặc chiếm đoạt tài sản, chỉ xử lý hành chính là chưa đủ sức răn đe. Duy trì cơ chế phối hợp liên ngành, xác định trách nhiệm người đứng đầu địa phương, nhất là cấp xã. “Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng Nghị định về quản lý, khai thác cát sỏi, trình Chính phủ ban hành vào thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Đại điện tỉnh Phú Thọ cho biết, đã đình chỉ hoạt động một số doanh nghiệp khai thác cát sỏi bị báo chí phản ánh những ngày qua. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị 2 tỉnh giáp ranh là Yên Bái và Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo dừng việc này. Tới đây tỉnh sẽ cho kiểm tra toàn diện việc khai thác cát trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì cho biết, tỉnh đã cấp 16 giấy phép cho 10 doanh nghiệp khai thác cát sỏi, từ tháng 10/2015 đến nay, không cấp phép thêm bất cứ giấy phép nào, không gia hạn giấy phép, rút 2 giấy phép của doanh nghiệp vi phạm.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng nêu khó khăn trong việc quản lý như việc lợi dụng ranh giới không rõ nên khai thác trái phép, quy định chưa chặt chẽ về thời điểm, công suất; giám sát khó khăn, năng lực quản lý cũng như phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu; có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, do nhu cầu lớn của thị trường vật liệu xây dựng…
Đại diện tỉnh Hưng Yên cho biết, đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự “dẹp cát tặc” nhưng hiện vẫn còn 37 bến bãi tự phát tập kết cát trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đức Quyền cho rằng, khai thác cát sỏi trái phép là hành vi ăn cắp tài sản quốc gia nên phải được xử lý hình sự chứ xử lý như các hành vi vận chuyển trái phép, không rõ nguồn gốc thì không thoả đáng.
Hiện tỉnh Thanh Hoá có khoảng 300 phương tiện tàu thuyền do người dân tự đóng, không đăng ký đăng kiểm, đây là những tàu hút cát tại các sông trên địa bàn.
Theo Chinhphu.vn