Công bố một số tài liệu mật tại hội thảo 65 năm Điện Biên Phủ

Thứ Bảy, 13/04/2019, 18:40 [GMT+7]

Hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực" sẽ được tổ chức ngày 25/4 tại TP Điện Biên Phủ.

Chiều 12/4 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng họp báo giới thiệu hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực" (7/5/1954-7/5/2019). Hội thảo khoa học lần này sẽ được tổ chức ngày 25/4 tại thành phố Điện Biên Phủ. Trong khuôn khổ hội thảo sẽ tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1; thăm, tặng quà 5 gia đình chính sách trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.

S
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức và Đại tá Trương Mai Hương tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức - Cục trưởng Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) cho biết, hội thảo lần này sẽ công bố một số tư liệu mới liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đại tá Trương Mai Hương, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết: "Tính đến thời điểm này, nhiều tài liệu dần hé mở, chúng tôi cập nhật được những thông tin rất mới. Có những tài liệu trước đây ở độ tối mật, tuyệt mật thì hiện đã có thể khai thác. Trong đó có thể kể đến những tài liệu chúng ta nắm được về mâu thuẫn trong nội bộ hàng ngũ quân Pháp trước, trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ".

S
Đại tá Trương Mai Hương, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự.


Tại buổi họp báo, Đại tá Trương Mai Hương thông tin thêm: Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực” sẽ mời một số nhân chứng lịch sử như: Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chính uỷ Trung đoàn 36, Sư 308 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; Đại tá Hoàng Đăng Vinh, nguyên Tiểu đội phó thuộc Trung đoàn 209, Sư 312, tham gia bắt tướng De Castries trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tá Phùng Văn Khầu, nguyên Khẩu đội trưởng sơn pháo 75mm, Sư đoàn công pháo 351.

Buổi Hội thảo sẽ diễn ra với 3 nội dung chính: Phần 1 là các tham luận nghiên cứu đánh giá phân tích bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước: âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp đối với cách mạng Việt Nam 1953-1954; Phần 2 là các tham luận đi sâu nghiên cứu tái hiện toàn bộ diễn biến Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ; Phần 3 gồm các bài tham luận, nghiên cứu, phân tích đánh giá tầm vóc, vai trò, ảnh hưởng và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với cách mạng Việt Nam và nhân dân các dân tộc thuộc địa trên thế giới./.

 

Theo Trọng Phú/VOV.VN
 

.