Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tư duy "xin-cho" trong xây dựng thể chế
Chiều nay, 8/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ. Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết còn tình trạng xây dựng dự thảo văn bản luật còn sơ sài, thiếu trách nhiệm, tư duy cũ, bao cấp, xin cho và yêu cầu chấm dứt tình trạng này.
Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ cho ý kiến vào Báo cáo Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); báo cáo thẩm tra Dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương; Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức; thảo luận về thực hiện Nghị quyết triển khai thi hành Luật Quy hoạch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Phát biểu khai mạc tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, thể chế vẫn là khâu đột phá chiến lược của nước ta. Trong các cuộc họp của Tiểu ban Kinh tế Xã hội chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII mà Thủ tướng là Trưởng Tiểu ban, các thành viên của Tiểu ban cũng nhấn mạnh điều này.
Nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế đã được Chính phủ rất chú trọng, đốc thúc, đưa lên đầu chương trình các kỳ họp Chính phủ, nhưng Thủ tướng đánh giá, chất lượng các thể chế vẫn còn những vấn đề đặt ra. Các Bộ trưởng bước đầu đã có sự quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, song vẫn còn tình trạng giao khoán cho cấp dưới, thậm chí cấp chuyên viên dự thảo một số văn bản luật, nghị định và chưa lấy ý kiến đầy đủ của các bên liên quan.
Thủ tướng yêu cầu "Các đồng chí cần tập trung hơn, dành thời gian nhiều hơn, củng cố bộ phận làm thể chế, bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo công tác này. Bây giờ cải cách hành chính, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng nhiều khi trói buộc trong đó về trách nhiệm của vụ này, vụ kia, đá qua đá lại, qua tôi qua anh, đi lại mất thời gian, chưa giải phóng sức sản xuất. Chưa thực sự coi trọng công tác này một cách đúng mức, kể cả bố trí thời gian, công sức, lắng nghe các ý kiến để có thể chế tạo môi trường phát triển tốt cho đất nước và người dân".
"Tôi đã phát hiện một số vấn đề các đồng chí dự thảo sơ sài, thiếu trách nhiệm, thậm chí là đưa các tư duy cũ, hay là bao cấp, xin cho vào các văn bản. Bây giờ chúng ta phải chấm dứt chuyện đó, phải làm tốt hơn để giải phóng sức sản xuất", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ Tư pháp phải nâng cao vai trò thẩm tra các dự án luật, văn bản luật; phải có tiếng nói về những bất cập, bất hợp lý trong dự thảo các văn bản luật trước khi trình cấp có thẩm quyền.
Thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, một số thành viên Chính phủ cho rằng, cần phân loại các dự án theo quy mô đầu tư theo hướng, các dự án quy mô thực sự lớn thì Quốc hội quyết định, còn lại cần có sự phân cấp. Các dự án nhỏ hơn nên giao quyền cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định. Điều này giúp Chính phủ thuận lợi hơn trong điều hành, có dư địa để ra quyết định thực hiện các dự án cấp bách ở các địa phương.
Cùng với đó, nên mở rộng thẩm quyền của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Hội đồng Nhân dân để quyết định nhanh chóng hơn đối với các dự án cấp bách, bởi nhiều dự án cần có ý kiến sớm nhưng Quốc hội và HĐND chỉ họp 2 lần một năm. Đi liền với đó là các giải pháp giúp Quốc hội, HĐND kiểm soát được sau khi giao quyền, phân cấp.
Sau khi các thành viên Chính phủ có ý kiến về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận.
Toàn cảnh phiên họp. |
Về khái niệm phạm vi nguồn vốn đầu tư công, Thủ tướng cho biết, ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước thì còn các nguồn vốn khác cũng của Nhà nước nhưng chưa cân đối trong ngân sách Nhà nước. Chính phủ thống nhất với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và yêu cầu Bộ kiến nghị Chính phủ hoàn thiện khái niệm phạm vi nguồn vốn, không liệt kê các nguồn vốn khác vừa nêu trong Luật; giao Chính phủ quy định chi tiết về phạm vi, trình tự thủ tục đầu tư đối với nguồn vốn này. Chính phủ phải có trách nhiệm sử dụng vốn đúng quy định pháp luật.
Đối với quy định về dự án đền bù giải phóng mặt bằng, Thường vụ Quốc hội đã có kết luận không tách riêng công tác bồi thường hỗ trợ dự án tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Trường hợp cần thiết, căn cứ vào dự án đầu tư công cụ thể để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Thủ tướng yêu cầu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng này.
Về tiêu chí mức vốn phân loại các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C, Thủ tướng thống nhất tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội theo hướng, từ mức 20 nghìn tỷ đồng thì báo cáo Quốc hội cho ý kiến, mức vốn nhỏ hơn số này thì phân công cho Chính phủ quyết định. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội rà soát chỉnh lý hoàn thiện quy định này.
Tán thành với các thành viên Chính phủ nêu ý kiến, Thủ tướng cho rằng, dự thảo Luật Đầu tư công cũng cần quy định giao quyền cho Thường trực HĐND trong việc quyết định chủ trương đầu tư một số dự án, danh mục đầu tư... trong thời gian không diễn kỳ họp HĐND, từ đó thúc đẩy các dự án triển khai nhanh hơn.
Về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Chính phủ thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau gồm thời hạn của hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử và có gắn chip; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân… Thủ tướng cho rằng, việc gắn chip hộ chiếu chỉ là giải pháp công nghệ để quản lý, không ảnh hưởng đến giá trị hộ chiếu, do đó, hộ chiếu có gắn chip hay không đều có thời hạn như nhau, không quá 10 năm. Đây cũng là kinh nghiệm chung của các nước.
Sau khi các thành viên Chính phủ nêu ý kiến, Thủ tướng cũng đã có kết luận về phần thảo luận đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức./.
Theo Vũ Dũng/VOV