Thủ tướng: Còn tình trạng "gói gém" lợi ích cục bộ trong các thủ tục
Chiều 21/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Nêu lên thực trạng có những dự thảo văn bản quy định bị trả đi trả lại nhiều lần, Thủ tướng chỉ rõ, đó là bởi còn tình trạng “gói gém” vào trong đó những lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ hay là đơn vị của mình trong xây dựng thủ tục và yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng này.
Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Theo báo cáo, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ triển khai xác định và công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2017 và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2017. Trong quý 3/2018, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát trên 30.000 phiếu người dân và doanh nghiệp, phục vụ cho việc xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Kết quả cụ thể về cải cách thể chế, việc xây dựng văn bản quy định chi tiết đã có sự chuyển biến tích cực khi số lượng văn bản nợ ban hành chỉ còn 4 văn bản. Tính đến cuối năm ngoái, Ban Chỉ đạo cũng đã tham mưu Chính phủ khóa XIV ban hành 28/30 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 6 cơ quan thuộc Chính phủ. Qua đó, nhiều đơn vị đã giảm mạnh đầu mối, như Bộ công an đã sắp xếp, bỏ 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp vụ và gần 300 đơn vị cấp phòng; Bộ Nội vụ đã giảm 14 đơn vị cấp phòng thuộc vụ và tương đương.
Từ năm 2015 đến giữa tháng 10/2018, tổng số biên chế cả nước đã được tinh giản là 40.500 người, trong đó, số biên chế về hưu trước tuổi chiếm khoảng 86%. Hiện nay đã có 39 địa phương đã xây dựng và triển khai mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, một số nơi đã thí điểm cấp huyện, để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân.
Sau khi các thành viên Ban chỉ đạo nêu ý kiến, Thủ tướng kết luận hội nghị. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ và Thủ tướng đã đặc biệt quan tâm cải cách hành chính, có sự chỉ đạo xuyên suốt, toàn diện nhằm thúc đẩy tiến trình cải cách gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ngay từ đầu năm và đưa ra các mục tiêu khá cao. Trong đó, môi trường đầu tư kinh doanh phải thuộc nhóm 4 ASEAN và tiếp cận tiêu chí OECD.
Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 01 và 19 (năm 2018) và năm 2019 ban hành Nghị quyết 01 và 02, trong đó có nội dung quan trọng là thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường kỷ luật kỷ cương và xử lý vi phạm trong bộ máy hành chính...
Thủ tướng chủ trì hội nghị. |
Thủ tướng đánh giá, thể chế và thủ tục hành chính được cải cách và hoàn thiện thêm một bước quan trọng. Ngoài Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác công vụ và đã bước đầu thực hiện kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở một số bộ, ngành, địa phương.
Nêu ra nhiều kết quả quan trọng về cải cách hành chính thời gian qua, Thủ tướng cho biết, theo đánh giá của Liên hợp quốc, năm 2018, mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân Việt Nam tăng 29 bậc.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, bất cập trong cải cách hành chính: “Vì sao một số quy định phải trả đi trả lại rất nhiều, bởi vì các đồng chí đã gói vào trong ấy những quyền lợi cục bộ của một bộ phận cán bộ hay là đơn vị mình trong quá trình làm thủ tục. Cái gì cũng phải qua tôi, qua vụ tôi. Làm sao thế được?
Chúng ta đã khắc phục được tình trạng này một bước nhưng vẫn còn. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phải xem lợi ích cục bộ trong thủ tục này gói trong các nghị định hướng dẫn vẫn còn ẩn náu nơi này nơi khác, để có tình trạng xin cho. Một số cán bộ cố gắng gói gém trong này, nên lãnh đạo các bộ phải tỉnh táo trong vấn đề này”.
Bên cạnh đó, còn tình trạng triển khai nhiều nội dung cải cách chưa quyết liệt, chưa đồng bộ; nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn xảy ra tình trạng trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh, đùn đẩy trách nhiệm.
Thái độ của một bộ phận cán bộ khi tiếp xúc với dân còn thiếu thuyết phục, bất cập. Một số cơ quan thực hiện chế độ tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đối thoại tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Còn tình trạng công dân, doanh nghiệp hỏi, cơ quan Nhà nước không trả lời, im lặng.
“Khi một công dân bị chết, anh mang giấy báo tử nộp cho họ, đồng thời có chính sách hỗ trợ về mai táng phí và các hỗ trợ liên quan. Một người sinh ra anh có tặng một bó hoa và chúc mừng. Anh làm những việc như vậy người dân họ rất hoan nghênh. Còn nếu như chết mà đi mấy lần lên cơ quan xác nhận báo tử cũng khó khăn thì làm sao tin chính quyền như vậy. Những việc cụ thể nhỏ như vậy của chính quyền cơ sở đối với công dân rất quan trọng. Thế mới là cải cách. Cải cách đổi mới thì phải làm tốt hơn, không phải cửa quyền, hách dịch, bao cấp như trước đây” - Thủ tướng nhấn mạnh đến tinh thần cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nêu thực tế thủ tục hành chính một số lĩnh vực rườm rà trong một số lĩnh vực, còn tình trạng cắt giấy phép mẹ đẩy giấy phép con, tình trạng chi phí không chính thức... Thủ tướng dẫn ra Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy có 5 bất cập chủ yếu trong thủ tục hành chính. Đó là: trình tự thực hiện phức tạp; thủ tục thiếu các bước thực hiện; thiếu mốc thời gian trong trình tự thủ tục hành chính; thứ tư là thời hạn giải quyết thủ tục kéo dài; tiêu chí xem xét giải quyết thủ tục hành chính còn mơ hồ.
“Đáng lên án trong xã hội là tình trạng gây phiền hà cho người dân ở một số cơ quan hành chính và một số đơn vị công lập vẫn còn. Xin con đi học, vào bệnh viện, xin việc phải có phong bì phong bao. Tôi đề nghị đã chỉ đạo có hội nghị toàn quốc về vấn đề này, sớm chấn chỉnh, khắc phục cho được tình trạng tham nhũng vặt mà nhân dân phản ánh, các cơ quan Nhà nước đã biết, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã có ý kiến. Kiểu làm việc như thế là không chấp nhận. Phải nói điều này mạnh mẽ hơn trong toàn xã hội để xã hội lên án và giám sát, công khai minh bạch” - Thủ tướng cho rằng, đây chính là nguyên nhân gây nhũng nhiễu và tham nhũng vặt.
Về giải pháp thời gian tới trong cải cách hành chính, Thủ tướng nhấn mạnh, phương châm hành động của Chính phủ 12 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Tôi giao đề tài hai chữ cuối cùng là “bứt phá, hiệu quả” cho Ban Chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính mà trước hết là cơ quan thường trực. Anh sẽ bứt phá gì trong năm nay?
Câu này trả lời trong báo cáo chưa rõ. Trong đó, đối với người dân và sự phát triển thì môi trường của chúng ta phấn đấu nhóm đầu ASEAN về đầu tư kinh doanh để giải phóng lực lượng sản xuất, mọi người dân, doanh nghiệp đều phát huy trí tuệ, khởi nghiệp, làm ăn. Thứ hai là nền hành chính phục vụ nhân dân phải được quán triệt trong mọi cơ quan, mọi cơ quan hành chính, kể cả đơn vị sự nghiệp công.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, sửa các văn bản lạc hậu, sai sót, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật theo hướng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề công chức, viên chức, bộ máy...liên quan đến người dân và doanh nghiệp phải được cụ thể hơn, rõ hơn. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu đề cao trách nhiệm người đứng đầu và chỉ đạo Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành bộ tiêu chí theo dõi đánh giá mức độ hiệu quả thực thi pháp luật của các bộ, ngành và địa phương.
Tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo tất cả các địa phương, các ngành đều phải có phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm điều kiện kiểm tra chuyên ngành, tránh tình trạng cắt giấy phép mẹ, đẩy giấy phép con, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó là nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, xây dựng đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa tiếp theo với tư duy đột phá, cải cách, có tầm nhìn chiến lược để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế của nước ta./.
Theo Vũ Dũng/VOV