Lịch sử chứng minh Việt Nam là quốc gia trách nhiệm, hòa hiếu
“Tinh thần hòa hiếu ấy không chỉ đối với phương Bắc mà với cả Pháp, Nhật, Hoa Kỳ và đồng minh của họ trong các cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.
Việc chúng ta nhắc, nhớ về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc 40 năm trước không chỉ để tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã quyết tâm bảo vệ đến cùng phên dậu của Tổ quốc, mà để thấy được những bài học cần rút ra, cần ứng xử cho phù hợp. Nhắc nhớ để chúng ta tiếp tục nhân lên những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam, quyết tâm đấu tranh đến cùng khi chủ quyền thiêng liêng bị xâm phạm nhưng cũng hết sức bao dung, hòa hiếu.
Những người lính tuổi 18, 20 tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên. (Ảnh tư liệu) |
Chẳng ai muốn phải tiếp tục cầm súng
PSG.TS - Đại tá Trần Ngọc Long, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc là cuộc chiến chính nghĩa, bắt buộc của nhân dân Việt Nam để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Trong bối cảnh vừa bước ra từ 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, đang phải đương đầu với quân Pol Pot - Iengsary ở biên giới Tây Nam, dân tộc Việt Nam, cực chẳng đã phải tiếp tục cầm súng khi Tổ quốc lâm nguy, chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm ở phía Bắc.
Theo Đại tá Trần Ngọc Long, có thể xem cuộc chiến này như một “khúc quanh” nhất thời trong mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai Đảng, nhưng chúng ta vẫn cần phải nhìn lại, rút ra bài học về quan hệ giữa các nước láng giềng để sau này vẫn là những láng giềng tốt, hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng hợp tác và phát triển.
“Tôi cho rằng, sau 40 năm, việc chúng ta nhìn nhận lại cuộc chiến này một cách toàn diện không phải để đào bới quá khứ, khơi dậy hận thù, mà nhắc lại là để một mặt tôn vinh thế hệ cha anh, chiến sĩ và quân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã ngã xuống bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhưng đồng thời cũng đề rút ra những bài học, không chỉ cho Việt Nam mà cho cả hai nước. Những bài học đó theo tôi rất có giá trị cho cả hiện tại và tương lai”, Đại tá Trần Ngọc Long nhấn mạnh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thì nhấn mạnh, lịch sử là ký ức của thế hệ đương thời, thế hệ trong cuộc của sự kiện ấy nhưng nó phải được nối dài trở thành ký ức của xã hội, của dân tộc. Hoàn cảnh thời điểm đó là chúng ta đang phải khắc phục hậu quả kinh tế sau các cuộc chiến tranh kéo dài trong khi bị cấm vận về kinh tế thì Trung Quốc - đồng minh rất gần gũi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không những cắt đứt viện trợ mà còn đem quân đánh sang biên giới phía Bắc, mới thấy bài học lớn rút ra trong quan hệ giữa hai nước là cực kỳ sâu sắc, từ đó có những kết luận, bài học để hướng tới mục tiêu lâu dài là giữ được hòa hiếu nhưng cũng không quên quá khứ.
Bài học trong nhận thức
Bài học cần rút ra trong cuộc chiến đấu này, theo Đại tá Trần Ngọc Long, trước hết phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác khi đối tượng của cuộc chiến là những người đã từng một thời chung chiến hào, chung lý tưởng.
Bài học thứ hai là phải giải quyết đúng đắn hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thường xuyên đánh giá, phân tích chính xác tình hình để có công tác chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đối phó mọi tình huống để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Dưới góc nhìn của người nghiên cứu lịch sử, ông Dương Trung Quốc lại cho rằng, cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979 đã cho chúng ta một bài học về lợi ích quốc gia và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhớ lại, ông và những người cùng thế hệ vẫn còn nguyên cảm xúc khi nghe thông báo trên các phương tiện truyền thông về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, cùng với cảm giác uất ức là một sự đổ vỡ rất lớn. Những gì chúng ta mong muốn là tình hữu nghị, là những người đồng minh gần gũi thì nhận được gần như ngược lại.
“Vì thế, tôi cho rằng, bài học lớn nhất là phải đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Đây không phải chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi mà dân tộc chính là hạt nhân để chúng ta có thể đóng góp chung với thế giới, nhất là khi đã hội nhập thì trách nhiệm ấy rất lớn, đặc biệt là trách nhiệm bảo vệ môi trường hòa bình.
Chúng ta có thể tập hợp được rất nhiều sự ủng hộ, đồng thời vẫn kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở căn cứ pháp lý của mình. Tôi cho đấy là thái độ rất có trách nhiệm, góp phần hóa giải những nhận thức về những xung đột đang diễn ra trên Biển Đông hiện nay”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, quan điểm của Nhà nước đến được với người dân, người dân vừa chia sẻ đồng thời cũng là người ủng hộ, cùng tham gia vào quá trình đấu tranh ngoại giao ấy thì đó mới là thành công bền vững.
“Chúng ta luôn là quốc gia có trách nhiệm, hòa hiếu”
Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trong lịch sử Việt Nam cho tới nay, chúng ta luôn là quốc gia có trách nhiệm, là dân tộc có tinh thần hòa hiếu, sau những xung đột, căng thẳng đã bình thường hóa quan hệ, đã gác lại quá khứ và hướng tới tương lai. Tinh thần hòa hiếu ấy không chỉ đối với phương Bắc mà với cả Pháp, Nhật, Hoa Kỳ và đồng minh của họ trong các cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
“Đó là bài học sâu sắc nhất, thuyết phục nhất”, ông Quốc khẳng định, đồng thời dẫn chứng bằng sự kiện thời sự nóng hổi khi Việt Nam được chọn là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 sẽ được diễn ra vào cuối tháng 2 này. Ông Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh thêm rằng, chiến tranh chỉ là khoảnh khắc của lịch sử, nếu chúng ta vượt qua được sẽ tạo ra môi trường phát triển lâu dài.
Cuộc chiến tranh kéo dài 10 năm ấy đã phải đổi bằng xương máu của người dân 2 dân tộc, nên nó vẫn giá trị rất lớn, vẫn là đối tượng để nghiên cứu, tìm những bài học sâu sắc cho cả hiện tại và tương lai. Nó cũng là một phần giá trị lịch sử mà chúng ta phải ghi nhận bằng thái độ như thế nào, cách ứng xử ra sao để hướng tới mục tiêu giữ được sự hòa hiếu, sự phát triển giữa hai quốc gia Việt Nam-Trung Quốc cũng như các quốc gia khác./.
Theo Thanh Hà-Đàm Hoa/VOV