Quốc hội và dấu ấn đối ngoại năm 2018
Năm 2018 là năm sôi động và nhiều dấu ấn trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội, thành công trên cả quan hệ nghị viện song phương và đa phương.
Đối ngoại đa phương: Từ chủ động tích cực, trách nhiệm sang tham gia điều hành, dẫn dắt
Hội nghị Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF26) |
Mở đầu cho hoạt động đối ngoại Quốc hội 2018 đó là sự kiện Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF26), diễn ra từ 18 đến 21/1/2018. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, đây là diễn đàn tổ chức tại Việt Nam rất có hậu và thành công. Thành công nhất là diễn đàn có số lượng đại biểu các nghị viện đến Việt Nam đông đảo nhất từ trước tới nay, có đến 356 đại biểu quốc tế và 22 đoàn. Trong 22 đoàn nghị viện quốc tế có 17 trưởng đoàn là Chủ tịch Quốc hội và Phó chủ tịch Quốc hội.
Hội nghị không chỉ nhận được sự quan tâm của Nghị viện các nước trong khu vực mà cả các lãnh đạo của Liên minh nghị viện thế giới khi tân chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới IPU bà Gabriela Cuevas Barron, nguyên Chủ tịch IPU ông Saber Chowdhury và cả Tổng Thư ký IPU Martin Chungong cũng tham dự diễn đàn này.
“Kết quả của diễn đàn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong khu vực các nước thành viên liên nghị viện, nhất là chúng ta đã cùng với các nghị viện thống nhất ra được tuyên bố Hà Nội. Tuyên bố Hà Nội mang ý nghĩa lịch sử vì đánh giá lại toàn diện hoạt động của Liên minh nghị viện khu vực châu Á Thái Bình Dương sau 25 năm hình thành và phát triển. Trong tuyên bố này cũng định hình cho tương lai phát triển của diễn đàn APPF”, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
APPF-26 tại Hà Nội thành công nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là vai trò nước chủ nhà của Quốc hội Việt Nam. Đây cũng là cơ hội góp phần giới thiệu về đất nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển; con người Việt Nam năng động và thân thiện cũng như nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ mở đầu thành công tốt đẹp và có hậu này dẫn đường cho hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2018 sôi động, hiệu quả. Ở quan hệ nghị viện đa phương, Quốc hội Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế quan trọng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã trực tiếp tham dự Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới tại Thụy Sỹ IPU 138; dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Á Âu (MSEP) lần thứ 3 tại Thổ Nhĩ Kỳ và lãnh đạo cấp cao của Quốc hội cũng đã tham gia nhiều hội nghị quan trọng khác.
Hoạt động đối ngoại đa phương 2018 của Quốc hội Việt Nam đã kết thúc ấn tượng, thân tình trên hoạt động đa phương, với việc Quốc hội phối hợp với IPU và chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc UNDP tổ chức thành công Hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững tại thành phố Đà Nẵng, từ ngày 17-18/12/2018.
Ông Martin Chungong, Tổng thư ký IPU đã gửi bức thư cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngay khi từ Đà Nẵng trở về Geneva, Thụy Sỹ. Bức thư có đoạn viết: “21/12/2018…Tôi đã trở về Geneva với rất nhiều kỉ niệm sâu sắc về chuyến đi mới đây của tôi đến Đà Nẵng. Tôi xin chân thành cảm ơn Bà vì sự hiếu khách và trọng thị dành cho tôi trong suốt thời gian tôi ở Đà Nẵng. Tôi trân trọng nhờ Bà Chủ tịch chuyển lời chúc tốt đẹp nhất đến Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và ông Vũ Hải Hà, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại. Sự chăm chỉ và cống hiến của họ cùng sự hợp tác của nhân viên của Quốc hội đã đảm bảo rằng, Hội nghị về các mục tiêu phát triển bền vững thực sự rất thành công. Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ này. Tôi rất phấn khởi khi chứng kiến sự quan tâm mạnh mẽ mà các bên liên quan ở Việt Nam, bao gồm Quốc hội, Chính phủ đang tham gia vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tôi đặt nhiều hi vọng cho sự thành công của nỗ lực này…”.
Có thể nói hoạt động đa phương đã góp phần làm sâu sắc thêm tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam. Sự tham gia của các đại biểu Quốc hội cũng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc Việt Nam có đại diện được tín nhiệm cao, bầu ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm Phó Chủ tịch IPU, điều này một lần nữa khẳng định sự đánh giá cao của Nghị viện các nước đối với Quốc hội Việt Nam.
Các hoạt động trên diễn đàn đa phương của Quốc hội Việt Nam đã chuyển từ chủ động tích cực, trách nhiệm sang từng bước nâng cao năng lực tham gia điều hành, dẫn dắt, đó là thành công của ngoại giao nghị viện tại diễn đàn đa phương trong năm 2018.
Đối ngoại song phương: Phong phú và thiết thực
Năm 2018, Quốc hội Việt Nam đón tiếp các đoàn cấp cao của nghị viện các nước đến thăm là 32 đoàn. Các đoàn ra thăm và trao đổi kinh nghiệm với các nước trên 30 đoàn. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, “đây là năm tổ chức trao đổi cấp cao trong song phương phong phú hơn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có các chuyến thăm chính thức đến Vương quốc Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc. Đây là những chuyến thăm ý nghĩa và mang lại kết quả thiết thực”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (ảnh: TTXVN) |
Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc tháng 12 vừa qua, có thể nói là chuyến đi mang tính chất lịch sử, đầy cảm xúc của mối quan hệ đối ngoại song phương. Sự nồng ấm, xúc động, trang trọng được thể hiện tại sự kiện mang tính chất quan trọng, đó là trường Đại học Quốc gia danh tiếng Pukyung, một trường đại học có uy tín, vị thế lớn tại Hàn Quốc trao bằng Tiến sỹ danh dự chính trị học cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Đặc biệt, chuyến thăm cuối cùng và kết thúc hoạt động song phương của Quốc hội Việt Nam với một số nước, đó là chuyến thăm chính thức của đoàn đại biểu cấp cao Duma Quốc gia, Quốc hội liên bang, Liên bang Nga, do ngài V. Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia dẫn đầu trong những ngày cuối tháng 12 này, đã đưa quan hệ hợp tác giữa Quốc hội với nghị viện càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm cùng Chủ tịch Duma Quốc gia LB Nga. |
“Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia Nga ký một thỏa thuận thành lập ủy ban hợp tác liên nghị viện 2 nước. Đây là một sáng kiến mới và cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước ta kí song phương về Ủy ban hợp tác liên nghị viện 2 nước. Nội hàm chính, 2 nước sẽ có trao đổi đoàn cấp cao hàng năm để bàn bạc những nội dung hợp tác cụ thể. Nếu năm nay tổ chức ở Việt Nam thì năm sau tổ chức ở Liên bang Nga", Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chia sẻ.
Từ quan hệ nghị viện song phương và đa phương sôi động, thiết thực, hiệu quả, năm 2018, hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam tiếp tục gặt hái những thành công và có nhiều điểm mới. Qua đó thể hiện sự tham gia của Quốc hội ngày càng chủ động, tích cực, hiệu quả, góp phần làm sâu sắc thêm tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam./.
Theo Lê Tuyết - Thu Huyền/VOV