"Cán bộ lạm quyền được lợi nhiều thứ nên càng cố làm"
Mất tiền để có được cái chức nên phải gây khó dễ cho dân mới nhanh thu hồi. Người dân muốn nhanh được việc thì phải “xì tiền”
Trong những ngày cuối cùng của năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1847 ban hành Đề án văn hóa công vụ nhằm đẩy mạnh việc hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả trong thực thi công vụ. Còn nhớ, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó quy định về giao tiếp và ứng xử của cán bộ công chức viên chức khi thi hành nhiệm vụ.
“Bệnh hành dân là chính” đã có thuốc?
Với Đề án mới này liệu có khắc phục được tình trạng thờ ơ, vô cảm, lấy “hành dân là chính” trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức lâu nay hay không là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
"Công bộc đã mất tiền để chạy được cái chức thì giờ họ phải thu lại. Đáng nói là họ càng gây khó cho dân bao nhiêu thì số thu lại càng lớn bấy nhiêu”, ông Nguyễn Túc nói. (Ảnh minh họa, nguồn: baonghean.vn) |
Vậy tại sao, vấn đề đạo đức công vụ lại tiếp tục được nhấn mạnh ở thời điểm này? Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, việc ban hành Đề án công vụ vào thời điểm này là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Bởi, văn hóa không chỉ là chuyện giao tiếp và ứng xử mà còn thể hiện bản chất của Nhà nước ta, đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ công chức đối với công dân, với nhiệm vụ của mình.
Mặt khác, trong thực tế, còn hiện tượng, nhiều cán bộ ở nhiều cấp khác nhau ứng xử không đúng với vai trò, trách nhiệm của mình trước dân, không đúng với bản chất của một Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Soi lại Quy chế về văn hóa cơ sở năm 2007, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thấy rằng, so với Quy chế 2007, Đề án văn hóa công vụ đầy đủ và phù hợp với tình hình hiện nay đang xảy ra trong các cơ quan Nhà nước giữa quan hệ công chức, viên chức với nhân dân. Có thể nói, việc ban hành Đề án mới thích hợp với hoàn cảnh hiện nay khi một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên nằm trong diện thoái hóa biến chất, trong đó có biến chất về văn hóa, về cách ứng xử. Đề án đã thể hiện khá nghiêm túc thực trạng trong cách ứng xử của cán bộ công chức, viên chức đối với dân, kể cả quan hệ giữa lãnh đạo và cấp dưới trong cơ quan. “Tôi cho đây là biện pháp để giải quyết trong nội bộ cơ quan Nhà nước và những mâu thuẫn nội bộ của đội ngũ cán bộ công chức viên chức, ông Túc nhấn mạnh.
Không những vậy, theo ông Nguyễn Túc, đề án công vụ này chính là một bước để thực hiện tốt hơn mục tiêu đưa văn hóa là nền tảng, tinh thần của toàn xã hội, là một trong 3 trọng tâm lớn của đất nước: phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm nền tảng tinh thần của xã hội.
Đề án công vụ được ban hành nhằm khắc phục những vấn đề bức thiết đang đặt ra hiện nay liên quan đến đạo đức công vụ, đến thái độ của công chức, viên chức với người dân khi thực thi nhiệm vụ. Nhưng liệu đề án này có khắc phục được thực trạng hiện nay hay không?
Chia sẻ băn khoăn này, ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, không gì có thể khắc phục được ngay nhưng dứt khoát sẽ có tác dụng lớn. Đặc biệt, cán bộ công chức bây giờ phải hiểu rằng trình độ dân trí đã khác xa ngày xưa. Hơn nữa, bao nhiêu năm chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, người dân đã hiểu thế nào là dân chủ. Chỉ có những người vô cảm, thiếu trách nhiệm, cố tình làm trái với quy định của Đảng, Nhà nước thì mới cố tình không hiểu.
“Với tình hình hiện nay, không chỉ Đề án này mà cùng với một loạt các chính sách của Đảng, Nhà nước đồng bộ với dân trí ngày càng cao, cộng với sự minh bạch, công khai và hoạt động mạnh mẽ của các tổ chức trong hệ thống chính trị, sự tham gia giám sát trực tiếp của người dân, tôi tin sẽ có tác dụng trực tiếp, khắc phục được những khiếm khuyết còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ công chức viên chức”, ông Chức nêu quan điểm.
Càng “khó dễ” với dân càng nhanh thu lời
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, cán bộ là công bộc của dân, còn người dân, doanh nghiệp chính là những người nuôi cán bộ công chức. Như vậy, lẽ ra, người dân, doanh nghiệp phải được đối xử tôn trọng, phải được phục vụ một cách tận tình, trách nhiệm. Nhưng thực tế, một bộ phận không nhỏ công bộc của dân lại thiếu trách nhiệm với dân.
Tìm hiểu từ thực tế, ông Nguyễn Túc cho rằng, sự xa dân, thờ ơ, mặc cảm của cán bộ công chức hiện nay chính ở chỗ họ cảm thấy trách nhiệm được giao như một thứ đặc quyền của họ, vì thế, họ muốn ban phát cho ai là tùy ở họ.
“Có thể hiểu thực tế ấy xuất phát từ việc, những công bộc đó đã mất tiền để chạy được cái chức thì giờ họ phải thu lại. Do vậy, anh ta cứ cố gây khó dễ cho dân, còn dân bực mình muốn nhanh thì phải xì tiền ra cho họ để được việc của mình. Đáng nói là họ càng gây khó cho dân bao nhiêu thì số thu lại càng lớn bấy nhiêu”, ông Túc khẳng định, đồng thời cho biết, trước khi tham gia trả lời cuộc phỏng vấn này, ông đã gặp 3 chủ tịch mặt trận phường và giật mình trước thông tin từ 3 vị ấy: “Bác phải nói hộ cháu, bây giờ đa phần là con ông cháu cha gửi vào, cháu là Chủ tịch nhưng cũng không nói được họ. Họ dựa vào ô của bố, của mẹ nên tự tung tự tác”.
Một nguyên nhân lớn hơn cả theo ông Túc đó là sự xuống cấp chung của toàn xã hội. Từ Đại hội VII, Đảng đã phát hiện một số cán bộ có chức có quyền thoái hóa biến chất; đến Đại hội VIII đã phát triển thành bộ phận, tới Đại hội IX thành bộ phận không nhỏ. Như vậy là tiêu cực trong xã hội đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống. Đây là một vấn đề rất lớn, cán bộ to thì “ăn lớn”, còn mấy anh nhỏ “ăn vặt”.
Còn ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, lý do là vì khâu kiểm soát quyền lực còn rất yếu, thế nên Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới tuyên bố phải dùng “cái lồng” để “nhốt” quyền lực lại. Vì ông to thì lạm quyền cái to, ông bé lạm quyền cái bé, sự thực ấy là không thể chấp nhận được.
“Tôi đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Túc, cán bộ lạm quyền được lợi nhiều thứ thế nên mới cố tình làm. Do vậy, chừng nào còn cơ chế xin cho thì còn sự ban phát, người xin phải khúm núm, quỵ lụy để được việc; người cho, ban phát thì nghênh ngang, đòi tiền, đòi quyền lợi”, ông Chức khẳng định.
Nêu một khía cạnh khác của tình trạng tham nhũng vặt, ông Nguyễn Túc nêu vấn đề sở dĩ người dân biết mười mươi mấy ông công bộc “ăn vặt” mà vẫn có thể tồn tại hết năm này sang năm khác chính là ở dân mình. Ông cha mình dạy sở dĩ có quan tham vì có dân gian. Vì vậy, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đang thực hiện cuộc vận động làm sao để những thói hư tật xấu đó ở trong cán bộ, trong người dân ngày càng bớt đi, cộng với đẩy mạnh giám sát và tố cáo chắc rằng tình hình đó sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, luật pháp về công vụ cần được thực hiện một cách đầy đủ, giám sát đến nơi đến chốn, giám sát ở từng địa bàn dân cư để tránh tình trạng “đấu tranh tránh đâu”, làm sao để tạo thành phong trào chứ không chỉ ngày một ngày hai. Khi đã thành phong trào, giống như cuộc chống tham nhũng hiện nay.
Như vậy, để chặn đứng nạn tham nhũng vặt, cần có những giải pháp mạnh mẽ. Với những quy định như trong Đề án văn hóa công vụ đã đủ mạnh để chặt đứt được tham nhũng vặt? Dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi”, ông Túc nêu rõ, có thể thấy chủ trương của Chính phủ đã có nhưng phải có được những biện pháp để huy động toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc.
Khi đã có biện pháp thì phải tạo ra quyết tâm. Như vấn đề phòng chống tham nhũng, bao nhiêu năm chúng ta rất khó khăn, nhưng sau Đại hội XII, khi đã có quyết tâm của người đứng đầu, và quyết tâm ấy được chuyển thành quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, bước đầu chúng ta đã có những kết quả đáng khích lệ. “Cuộc chiến chống tham nhũng vặt theo tôi cũng cần tới sức mạnh của toàn dân", ông Túc nhấn manh./.
Theo Đình Hiếu/VOV