Nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp, cán bộ hãy soi lại mình

Chủ Nhật, 23/12/2018, 20:27 [GMT+7]

Phải xem kết quả lấy phiếu tín nhiệm là thước đo và động lực để người lấy phiếu tín nhiệm nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa.

Lấy phiếu tín nhiệm là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

x
Các đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.


Theo Nghị quyết số 85 của Quốc hội, ở nhiệm kỳ này, Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố chỉ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm một lần vào cuối năm 2018. Về quy trình, đối tượng lấy phiếu, mức tín nhiệm vẫn cơ bản giống nhiệm kỳ 2011-2016, tuy nhiên, hồ sơ người lấy phiếu lần này quy định chặt chẽ hơn về việc viết báo cáo.

Cụ thể, người viết báo cáo phải thể hiện đầy đủ kết quả thực hiện những nhiệm vụ trong quá trình giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân bầu. Đặc biệt phải gắn với việc tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; Việc thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 56 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, theo quy định lần này làm chặt chẽ hơn để khắc phục và hạn chế tình trạng thư rác, không đầy đủ trách nhiệm, thiếu công khai, minh bạch, không trung thực, ảnh hưởng đến sự dân chủ của đại biểu. Do vậy, ngoài báo cáo hoạt động của đại biểu, báo cáo kê khai tài sản, thu nhập, còn một báo cáo của tổ đại biểu khu vực, địa bàn bầu ra mình họp theo từng tổ, góp ý cho người được lấy phiếu tín nhiệm theo các chức danh được công khai.

Việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm cũng được quán triệt đối với các đại biểu cần phân tích, đánh giá công tâm, khách quan, nhận thức đầy đủ đặc thù của từng ngành, lĩnh vực mà đại biểu được lấy phiếu tín nhiệm đảm nhận, khi xem xét phải toàn diện, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, tác động đến hiệu quả công việc của người được lấy phiếu tín nhiệm. Mỗi lá phiếu của đại biểu phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng bộ và nhân dân, tuyệt đối không vì cảm nhận chủ quan cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm để hạ uy tín, gây mất đoàn kết nội bộ. Phải xem xét kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa là thước đo, vừa là động lực để người lấy phiếu tín nhiệm nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ cho biết, đảm bảo đánh giá đúng sự tín nhiệm của tập thể đối với các chức danh được Đảng, Nhà nước quy định, từ đó góp phần để cho từng cá nhân, người được lấy phiếu tín nhiệm thấy rõ ưu điểm, hạn chế của mình để tiếp tục phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đã diễn ra cho thấy những người có số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm đều đạt tỷ lệ cao. Những người có số phiếu tín nhiệm thấp hầu hết đều ở tỷ lệ dưới 50%. Những lĩnh vực giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, xây dựng, văn hóa thể thao du lịch, tài nguyên môi trường là những lĩnh vực gắn với đời sống hàng ngày của người dân nên lá phiếu cũng thể hiện được sự kỳ vọng cao hơn. Cụ thể như ở tỉnh Bạc Liêu hay Sơn La, người quản lý ngành Thông tin truyền thông và giáo dục đào tạo đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp khá cao ở mức trên 50%. Bởi lẽ những ngành này đã xảy ra hàng loạt vi phạm khiến dư luận xôn xao thời gian qua.

Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, cho rằng, các vị có số phiếu tín nhiệm thấp cao hơn mọi người chắc chắn sẽ phải xem lại vì sao trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mình, uy tín của mình. Đây là những vấn đề nóng mà thiết thực với người dân cần phải cẩn trọng, quyết tâm hơn, trách nhiệm cao hơn.

Nghị quyết cũng quy định rõ, hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm nếu có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì thường trực Hội đồng Nhân dân trình Hội đồng Nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.

Lấy phiếu không phải để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay, đó là phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng việc lấy phiếu cốt để cán bộ thấy sai để sửa, thấy khuyết điểm để rút kinh nghiệm, thế mới tốt và nhân văn.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, lấy phiếu là hoạt động để sát hạch cán bộ, mỗi lá phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm không chỉ là trách nhiệm của đại biểu đối với người được lấy phiếu mà đây còn là niềm tin mà cử tri đã trao gửi cho đại biểu của mình. Với bản lĩnh, công tâm, minh bạch, dân chủ và khách quan, mỗi lá phiếu tín nhiệm sẽ làm cho bộ máy Nhà nước hoạt động ngày càng hiệu quả, hiệu lực hơn. Qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, các đại biểu cho rằng, mỗi người khi nhận lá phiếu tín nhiệm thấp cần soi lại mình để có trách nhiệm hơn trước Đảng, Nhà nước và nhân dân./.

 

 

 

Theo Thu Huyền/VOV

.