Thủ tướng: Đảng, Nhà nước luôn trăn trở về đổi mới giáo dục
Tại buổi gặp gỡ các nhà giáo, Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước luôn trăn trở về việc đổi mới giáo dục để đưa đất nước tiến lên.
Nhân dịp kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2018, chiều 19/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu cả nước. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành. Bày tỏ sự tri ân đến các thầy cô giáo cả nước, Thủ tướng cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn nhấn mạnh đến “giáo dục, giáo dục và giáo dục” và trăn trở về việc đổi mới giáo dục để đưa đất nước tiến lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, PGS Trần Thị Thu Hà, đang công tác tại Đại học Thái Nguyên, vùng trung du, miền núi phía Bắc, cho biết, 10 năm qua, PGS và các đồng nghiệp Viện Nghiên cứu và phát triển nông lâm đã tuyển chọn và lai tạo, nhân giống thành công hơn 20 loài dược liệu quí có giá trị kinh tế, và đang triển khai ở quy mô công nghiệp phục vụ cho phát triển vùng dược liệu của các tỉnh.
Với các đóng góp quan trọng, Phó Giáo sư là một trong gần 200 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2018 được vinh danh. Sau 25 năm nghiên cứu và giảng dạy, mà hầu hết là đào tạo các con em đồng bào dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc và miền Trung, Phó giáo sư Trần Thị Thu Hà, bày tỏ tâm huyết, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà các nhà giáo. |
“Nếu phải lựa chọn lại nghề nghiệp, tôi vẫn sẽ chọn nghề giáo và lĩnh vực nghiên cứu phát triển nông lâm nghiệp. Tôi nghĩ nghề nào cũng cao quí nếu thực sự chúng ta tâm huyết và đóng góp giá trị thực cho xã hội. Vì vậy, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm của một người thầy về giảng dạy, của một nhà khoa học có được nhiều công trình nghiên cứu, tạo ra được các sản phẩm có giá trị chuyển giao cho các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, và có trách nhiệm cao với cơ sở đào tạo và các thế hệ trẻ, cộng đồng địa phương”- PGS Trần Thị Thu Hà chia sẻ.
Thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng cơ điện Hà Nội, thì cho biết, là một trường chất lượng cao, Trường đã đào tạo theo nhu cầu của thị trường bằng các hợp đồng đào tạo với các nhà tuyển dụng. Trường cam kết nếu sinh viên ra trường mà sau 6 tháng không xin được việc làm, thì Trường sẽ hoàn lại toàn bộ học phí. Chính cách liên kết đào tạo này đã tạo giá trị gia tăng trong đào tạo cho các em sinh viên và giúp sinh viên ra trường sớm có việc làm với thu nhập tốt.
Các thầy cô giáo phát biểu tại buổi gặp gỡ đều bày tỏ sẽ tiếp tục cống hiến tâm, sức, khắc phục mọi khó khăn, vì sự nghiệp trồng người, vì thế hệ tương lai của đất nước.
Bày tỏ xúc động gặp gỡ gần 200 nhà giáo tiêu biểu trong sự nghiệp “trồng người”, đại diện cho 1,3 triệu nhà giáo cả nước vào dịp cả nước hướng về tri ân các thầy cô, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới lãnh đạo, các nhà giáo lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng cho rằng, gần 200 thầy cô giáo tiêu biểu cả nước đều có thành tích nổi bật trong sự nghiệp giáo dục, trong đó có những thầy cô đang “gieo” chữ ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, những trường dành cho trẻ khuyết tật... Các thầy cô là những hạt nhân nòng cốt, lan tỏa, cộng hưởng giá trị tốt đẹp; là tấm gương về đạo đức tự học, sáng tạo; với tình thương và trách nhiệm tích cực rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề nước nhà.
Nhấn mạnh dân tộc ta có truyền thống quý báu là “tôn sư, trọng đạo”, Thủ tướng cho biết, trong bất kỳ thời kỳ, giai đoạn nào, người thầy giáo luôn được xã hội tôn vinh.
Trao đổi với các thầy cô giáo về những vấn đề mà thầy cô nêu ra, Thủ tướng cho biết, vừa có chuyến tham dự Hội nghị cấp cao tại APEC tại Papua New Guinea. Tại đây, khi thảo luận về các vấn đề trong kỷ nguyên số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đã đặt câu hỏi với lãnh đạo nhiều nền kinh tế và các tổ chức quốc tế lớn, những nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới, đâu là yếu tố quan trọng nhất trong kỷ nguyên số đối với nền kinh tế. Câu trả lời là giáo dục. Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục quyết định sự phát triển của xã hội.
Thủ tướng đánh giá cao PGS Trần Thị Thu Hà, đang công tác tại Đại học Thái Nguyên, về đề cao vai trò của Đại học vùng, Thủ tướng cho biết.
“Phó giáo sư Trần Thị Thu Hà có nói đến Đại học vùng thì nhân đây tôi thông tin đến các nhà giáo, cách đây ít phút, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật Giáo dục sửa đổi với 84,2% số phiếu tán thành. Trong Luật này có đề cập đến đại học quốc gia, đại học vùng và giải quyết vấn đề liên thông. Chính sách vùng kinh tế trọng điểm rất quan trọng để chúng ta có các đầu tàu, trong đó có đại học vùng, đại học quốc gia để là các trung tâm phát triển trí tuệ”- Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội và các trường đã đào tạo gắn với thị trường, đào tạo theo nhu cầu xã hội.
“Đào tạo cái mà xã hội cần chứ không phải cái mà anh có. Riêng dạy nghề phải là như vậy. Còn các trường đại học không chỉ là giải quyết việc làm mà giải quyết vấn đề khởi nghiệp, tạo việc làm cho nhiều người khác. Khởi nghiệp sáng tạo rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội chúng ta. Mong rằng các trường dạy nghề đào tạo ra thì 100% có việc làm, có tay nghề và có thu nhập cao. Đây là mong mỏi của chúng ta và cũng giải quyết vấn đề tâm lý của xã hội, từ đó chúng ta luôn luôn nâng cao tay nghề”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến giáo dục, Thủ tướng cho biết, nhiều năm qua, hệ thống chính sách pháp luật về giáo dục luôn được quan tâm. Thủ tướng cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn nhấn mạnh “giáo dục, giáo dục và giáo dục” và trăn trở về việc đối mới giáo dục để đưa đất nước tiến lên.
Cho biết, giáo dục đào tạo và dạy nghề của nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh, đóng góp vào thành quả đó chính là đội ngũ giáo viên.
“Để có thành quả phổ cập giáo dục mầm non là hàng ngàn cô giáo với đời sống còn khó khăn, nhưng không quản ngại ngày đêm, vừa chăm nuôi, vừa dạy dỗ, vừa làm cô, vừa làm mẹ, nhất là những vùng xa xôi. Để có thành quả của thế giới về ghi nhận bậc học phổ thông và dạy nghề, các thầy cô hàng ngày miệt mài đổi mới, sáng tạo không ngừng trong giảng dạy, hàng vạn giáo viên vùng sâu, vùng xa, sẵn sàng nửa đêm đốt đuộc đi tìm học trò đến lớp”...: Thủ tướng bày tỏ sự tri ân và ghi nhận.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề trong lĩnh vực giáo dục cần khắc phục, như tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ, chất lượng đào tạo giáo viên còn thấp, vấn đề tuyển dụng và sử dụng giáo viên còn nhiều bất cập, đời sống nhiều giáo viên còn khó khăn...
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với các thầy cô giáo. |
“Cũng còn tình trạng chạy việc, học sư phạm ra chạy việc tốn tiền. Cho nên quy hoạch đầu vào của các trường sư phạm như thế nào để đáp ứng đầu ra để không để tiêu cực xảy ra”-Thủ tướng đặt vấn đề.
Nhấn mạnh đến vai trò của người thầy, Thủ tướng nêu rõ, dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Muốn có học sinh giỏi thì phải có thầy tốt, có năng lực, tâm huyết để truyền bá kiến thức, dìu dắt học sinh.
Cho rằng, những dấu ấn về người thầy sẽ theo suốt cả cuộc đời một con người, Thủ tướng cho rằng, nhà giáo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong truyền bá kiến thức, kỹ năng, mà còn góp phần hình thành nhân cách cho người học. Do đó, thông qua dạy học, người thầy phải “gieo mầm” những phẩm chất, giá trị cao đẹp, tạo dựng cho người học thái độ và năng lực nghề nghiệp cần thiết để trở thành người có ích cho xã hội./.
Theo Vũ Dũng/VOV