Thủ tướng có 45 phút phát biểu làm rõ nhiều vấn đề tại phiên chất vấn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có 45 phút phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Hôm nay (1/11) là ngày cuối cùng diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.
Theo chương trình làm việc, từ 8h đến 15h50, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn và các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC sẽ giải đáp những vấn đề mà các đại biểu đặt ra trên Hội trường.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có 45 phút phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trước khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có 45 phút phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ |
Trong hai ngày qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt ra một số vấn đề và mong nhận được ý kiến từ Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khi đặt vấn đề về công tác cán bộ cho rằng trong thời gian qua một số ngành, địa phương để xảy ra rất nhiều sai phạm trong công tác cán bộ nhưng không có một trưởng ngành, Bộ trưởng, người đứng đầu địa phương nào bị xử lý.
“Vậy vấn đề giải quyết trách nhiệm như thế nào? Tôi cũng mong muốn nếu được đề nghị đồng chí Thủ tướng Chính phủ chia sẻ quan điểm về vấn đề này” – ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) thì đề cập tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, phá rừng trái phép khiến nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, bức xúc.
Theo đại biểu, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, trong đó đã 6 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, XIV từ năm 2013 đến năm 2018. Nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa chấm dứt, do đó, đại biểu đề nghị Thủ tướng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có những giải pháp cho vấn đề này.
Còn đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì đặt hai câu hỏi gửi đến Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.
Đó là vì sao Chính phủ chưa thực hiện Điều 62 Luật Công nghệ thông tin? Theo đại biểu, trong mục lục ngân sách Nhà nước có loại chi riêng về công nghệ thông tin và tạo thuận lợi cho các bộ ngành, chính quyền địa phương kết nối liên thông, chia sẻ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công.
Cũng theo nữ đại biểu, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bà và một số đại biểu Quốc hội đã chất vấn nhiều lần về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương giải quyết ô nhiễm nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy. Nay đã giữa nhiệm kỳ mà chất lượng nước các con sông này vẫn chưa được cải thiện. Cử tri nhiều địa phương sống trong ô nhiễm hàng ngày rất bức xúc.
“Vậy Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cần làm gì để sớm khắc phục tình trạng này? Trong khi chưa được khắc phục, chưa có nước sạch, cần quan tâm hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân sống ven sông Nhuệ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe hay không?” – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban KH-CN&MT của Quốc hội đặt câu hỏi./.
Theo Ngọc Thành/VOV.