"Phong tướng để cầm gậy chỉ huy, không phải cứ tỉnh loại I là có tướng"
Quy định nâng trần cấp hàm với Giám đốc công an tỉnh, thành được nhiều ĐBQH đồng tình. Có ý kiến đề nghị sắp tới cần nâng quân hàm cho Chỉ huy trưởng.
“Tạo ra những vị tướng bản lĩnh, tài năng trong thời bình”
Thảo luận về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), chiều 6/11, Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) cho rằng, với những cải tổ trong bộ máy ngành công an hiện nay, thì việc Giám đốc công an tỉnh có trần quân hàm Thiếu tướng là hợp lý, cần thiết nhằm tạo ra những vị tướng trong thời bình thực sự bản lĩnh, tài năng, có kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ địa phương.
Hơn nữa, Giám đốc công an tỉnh giữ nhiều đầu mối, quân số lên tới hàng ngàn người nhưng cấp hàm chỉ là Đại tá tương đương với cấp phòng của Bộ Công an là không hợp lý.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Ảnh: Quochoi.vn) |
Vị đại biểu này cũng cho rằng lấy đơn vị hành chính loại 1 để quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc công an là chưa sát chức năng của lực lượng công an. Loại 1 về kinh tế, dân số, diện tích chưa hẳn cũng là loại 1 về quốc phòng, an ninh và ngược lại. Thực tế nhiều tỉnh không được xếp đơn vị hành chính loại 1, nhưng có vị trí chiến lược về an ninh trật tự.
Ủng hộ quy định trần cấp hàm Thiếu tướng với Giám đốc công an, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) nhấn mạnh, Bộ Công an đã triển khai tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, cấp địa phương là cấp thực hiện chủ yếu nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm và thực hiện hầu hết các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở. Giám đốc công an tỉnh sẽ có quyền hạn lớn hơn và trách nhiệm nặng nề hơn.
Mặt khác, Giám đốc Công an tỉnh được xác định chức vụ cơ bản là cấp dưới liền kề có thể quy hoạch, bổ nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công an. Yêu cầu đặt ra khi bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an có thời gian đảm nhận chức vụ Giám đốc công an tỉnh. Vì vậy chức vụ này có bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng sẽ thuận lợi trong công tác cán bộ.
Vị đại biểu này cũng cho rằng quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có trần cấp hàm Thiếu tướng là phù hợp. Bởi đây là các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, một năm khởi tố từ 1.000 đến 3.000 vụ án hình sự với số lượng bị can 1.500 đến 6.000 bị can; quân số công an tỉnh từ 3.000- 6000 cán bộ chiến sĩ và tiếp tục sẽ tăng.
“Nâng cho công an thì quân đội cũng phải tính”
Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội cựu chiến binh thì nhấn mạnh: “Quy định Đại tướng, Thượng tướng không tranh cãi gì nữa. Trung tướng với Giám đốc Công an 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM là đương nhiên. Nhưng với các đối tượng khác đề nghị nghiên cứu chặt chẽ về số lượng, bảo đảm chất lượng”.
Đại biểu Nguyễn Văn Được (Ảnh: Quochoi.vn) |
“Nếu nâng cho công an thì tới đây quân đội cũng phải tính. Đã nói lực lượng vũ trang, giờ ngồi họp như nhau, 1 bên tướng, 1 bên tá thì cũng không vui lắm!” – ông Nguyễn Văn Được nêu quan điểm khi đề cập đến cấp bậc hàm của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đồng thời cho rằng “phong tướng để cầm gậy chỉ huy quân, không nhất thiết cứ tỉnh nào loại I phải phong tướng”.
Bày tỏ đồng tình về quy định trần cấp hàm với Giám đốc Công an, song đại biểu Bùi Quốc Phòng (đoàn Thái Bình) cũng đề nghị tới đây khi xem xét sửa Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cần nâng trần quân hàm của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lên Thiếu tướng để đảm bảo tương đồng giữa hai lực lương.
Nêu ý kiến khác, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) kiến nghị Quốc hội nên quy định khung số lượng Trung ướng, Thiếu tướng trong lực lượng công an căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ.
Về trần cấp hàm với Giám đốc Công an tỉnh, thành, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng không nhất thiết quy định cứng tối đa 11 tỉnh được phong Thiếu tướng. Bộ trưởng Bộ Công an có thể điều động tướng về những địa phương được cấp có thẩm quyền xác định có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng nhưng phải đảm bảo không vượt quá số lượng cấp tướng theo quy định./.
Theo Ngọc Thành/VOV