Nhìn lại 3 ngày Quốc hội chất vấn: Dân chủ, cởi mở và chất lượng

Thứ Sáu, 02/11/2018, 07:04 [GMT+7]

Những đổi mới trong cách thức chất vấn và nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV được cử tri đánh giá cao.
 
Quốc hội đã kết thúc 3 ngày chất vấn tại kỳ họp thứ 6 với nhiều dư âm tốt. Cởi mở, dân chủ, chất lượng là cảm nhận chung của đại biểu cũng như cử tri cả nước.
 

1
Phiên chất vấn được đánh giá là cởi mở, dân chủ, chất lượng


Hiếm có một phiên chất vấn nào mà số lượng câu hỏi của đại biểu cũng như số lượng thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn nhiều như thế.

135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 19 Bộ trưởng, 2 phó Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn. Trong khi ở kỳ họp gần nhất hồi tháng 6 vừa qua (kỳ họp thứ 5) chỉ có 4 Bộ trưởng được chỉ định trả lời chất vấn và một số thành viên Chính phủ làm rõ thêm những vấn đề đại biểu nêu ra.

Tiết kiệm thời gian hỏi, tiết kiệm thời gian trả lời nhưng cử tri lại được rất nhiều thông tin, được giám sát tiến độ giải quyết những vấn đề tồn đọng, được quan sát bản lĩnh của các vị tư lệnh ngành.

Nét mới của phiên chất vấn lần này là sự tranh luận sôi nổi, thậm chí gay gắt của chính đại biểu với đại biểu. Họ có quyền bày tỏ chính kiến, có quyền tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ một vấn đề nhưng tuyệt nhiên, họ phải giữ được văn hóa Nghị trường, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết chứ không chỉ vì danh dự của riêng ngành mình.  Đó là điều cử tri mong đợi.  

Thành công của phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6, không thể thiếu sự điều hành năng động, sáng tạo, thông minh, khoa học của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Đại biểu và cử tri đánh giá cao thái độ ứng xử vừa nghiêm túc, vừa linh hoạt, mềm dẻo của người đứng đầu Quốc hội, như chính số phiếu tín nhiệm mà bà đã nhận được tại kỳ họp này. 

Một điểm nữa rất đáng ghi nhận ở phiên chất vấn 3 ngày qua là sự tương tác giữa những gì diễn ra ở bên trong và bên ngoài hội trường Diên Hồng. Sau mỗi phiên chất vấn, cử tri gọi điện cho đại biểu phản ánh, đại biểu truyền đạt lại những tâm tư, bức xúc của cử tri. Và như thế, nhiều vấn đề đã được giải tỏa ngay tại diễn đàn Quốc hội.

Hơn 20 thành viên Chính phủ trà lời chất vấn, có thể chưa làm hài lòng hết đại biểu và cử tri nhưng thái độ cầu thị, dám chịu trách nhiệm, đó mới là điều quan trọng. Qua đợt lấy phiếu tín nhiệm cũng như qua phần trả lời chất vấn tại kỳ họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mong nhận được sự chia sẻ của Quốc hội và cử tri đối với các thành viên Chính phủ bởi như ông nói: “Nước ta có dân số đông, điều hành có nhiều rủi ro và phức tạp, trong khi nhiều thành viên Chính phủ đảm đương nhiệm vụ trong nhiệm kỳ đầu”.

3 ngày chất vấn, vẫn còn đó những khoảng lặng, còn đó những nỗi buồn khi đại biểu phản ánh sự xuống cấp của đạo đức xã hội, kinh tế đi lên mà đạo đức đi xuống. Sự xuống cấp ấy chẳng ở đâu xa, ở ngay diễn đàn Quốc hội khi đại biểu nhắc đến lợi ích nhóm trong công tác cán bộ, gian lận trong chính sách bảo hiểm, chính sách người có công, trục lợi khi làm giả hồ sơ bệnh án, kinh doanh phân bón giả …Chung quy cũng bởi chữ tiền được đề cao nên bất chấp luật pháp, bất chấp đạo đức. Vậy nên, ông Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có lý khi nói rằng, một mình ngành ông không thể giải quyết được vấn đề này.

Khép lại phiên chất vấn, khép lại những cuộc tranh luận sôi nổi, cử tri thấy được nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, thấy được trách nhiệm của đại biểu trong vai trò giám sát. Cử tri mong mỏi, những lời hứa sẽ được hiện thực hóa, những vấn đề tồn đọng được giải quyết rốt ráo, những cơ chế, chính sách bất hợp lý phải được sửa đổi ngay “cho dân nhờ” như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân./.

 

 

Theo Quốc Phong/VOV

.