"Công đoàn phải khắc phục tư duy nặng về hiếu, hỉ khi vào CPTTP"

Thứ Sáu, 02/11/2018, 14:09 [GMT+7]

“Phải khắc phục bệnh hành chính, tư duy cũ nặng về hiếu, hỉ, phải hướng tới đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động”
 
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh điều này khi thảo luận tại tổ về đề nghị phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sáng 2/11.

Nhấn mạnh Hiệp định có mức độ cam kết sâu, toàn diện, vị đại biểu Đoàn Hà Nội cho biết những tác động, mặt được và mặt chưa được, thời cơ - thách thức đều được phân tích. Thuận lợi nhiều hơn khó khăn, kể cả về góc độ chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại, thu hút đầu tư, việc làm, an toàn thông tin, an ninh mạng…

Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam bày tỏ ủng hộ Quốc hội phê chuẩn Hiệp định vì các báo cáo tờ trình đều phân tích, đánh giá sâu tác động được và chưa được, lợi ích và khó khăn. Trên cơ sở cân nhắc, so sánh về mặt lợi ích, thì chúng ta thấy thời cơ nhiều hơn thách thức, thuận lợi nhiều hơn khó khăn.

“Qua thực tế hội nhập suốt 30 năm qua, nhất là khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, WTO, trước khi bước vào chúng ta đều phân tích cả khó khăn và thuận lợi, nhưng với niềm tin quyết tâm cao thì cuối cùng chúng ta cũng đạp bằng khó khăn để vươn lên. Điều đó cho thấy niềm tin” – đại biểu đoàn Hà Nội dẫn chứng.
 

1
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu phát biểu thảo luận tại tổ về CPTTP


Ở góc độ công đoàn, theo ông Ngọ Duy Hiểu, mặc dù thấy rằng khi tham gia có đứng trước thách thức nhưng vì lợi ích quốc gia dân tộc là lớn, trên hết nên sẽ tìm cách vượt qua.

Cũng theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc ra đời tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, cụ thể đây là tại doanh nghiệp đặt Công đoàn Việt Nam trước sự cạnh tranh về việc tập hợp đoàn viên, kết nạp đoàn viên và thành lập tổ chức ở cơ sở.

Cùng với đó là vấn đề chia sẻ nguồn lực tài chính cũng như khó khăn trong thực thi các quy định của pháp luật về vấn đề đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước, lao động tập thể, tổ chức và lãnh đạo đình công.

“Đây là thách thức rất lớn với tổ chức Công đoàn Việt Nam và đó là vấn đề chưa có tiền lệ trong cách tiếp cận của hệ thống chính trị nước ta. Tức là có một tổ chức khác tồn tại đồng thời với Công đoàn, mặc dù tổ chức này không mang trong mình đầy đủ bản chất mô hình của đoàn thể” – ông Ngọ Duy Hiểu phân tích.

Tuy vậy, vị đại biểu này cũng nhấn mạnh, có những cơ hội sẽ đến với tổ chức Công đoàn của người lao động như việc làm được tăng thêm. Tiêu chuẩn lao động tiếp tục được nhấn mạnh theo yêu cầu của ILO. Đương nhiên các tiêu chuẩn lao động này không dừng lại là các quy định thuần túy của pháp luật mà sau này các tổ chức đối tác tham gia sẽ giám sát yêu cầu thực thi của chúng ta rất nghiêm túc.

Việc tham gia CPTTP cũng là dịp tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Công đoàn. Trong bối cảnh có tổ chức khác thì tổ chức Công đoàn Việt Nam phải nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, đổi mới tư duy hoạt động.

“Đặc biệt là khắc phục bệnh hành chính, tư duy cũ nặng về hiếu, hỉ, mà phải hướng tới việc đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi người lao động” – đại biểu này lưu ý và nêu ra 3 đề xuất.

Theo đó, Đảng và Nhà nước tích cực tuyên truyền với doanh nghiệp, người lao động, tổ chức, cơ quan về nội dung của hiệp định cả về thời cơ và thách thức. Bởi có thực trạng là chúng ta nói nhiều về vấn đề này nhưng nhiều doanh nghiệp không hiểu, ngành nào ảnh hưởng cũng nói chung chung, thậm chí ảnh hưởng tới mặt gì thì không rõ.

“Chúng ta phải định hướng cho họ. Mọi người cứ nói CP TPP nhưng không hiểu CPTPP là gì, nội dung ra sao. Đó là cả một câu chuyện chúng ta cần phải nghiên cứu” – ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng các kịch bản gồm phát huy mặt tích cực, lợi ích, thời cơ. Đồng thời phải có kịch bản giải pháp hạn chế những tác động tiêu cực để chúng ta có thể có một môi trường phát triển bền vững, có thêm nhiều việc làm cho người lao động, hạn chế rủi ro trong doanh nghiệp, đặc biệt để doanh nghiệp không bị lâm vào tình cảnh phá sản, giải thể.

Cùng với đó hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn, trong đó hoàn thiện Bộ luật Lao động là một yêu cầu hết sức quan trọng, bắt buộc quy định về tổ chức đại diện người lao động đảm bảo phù hợp với cam kết, chủ động định hình các quy phạm để tổ chức hoạt động đúng mục đích.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng lo ngại rằng nếu không cẩn thận, tổ chức này sẽ hình thành nên một loại tổ chức công đoàn gọi là “công đoàn vàng”.  Ở đó giới chủ tự thành lập lên, sau đó giới chủ thao túng biến công đoàn ấy là tay chân của giới chủ. Điều này tổ chức quốc tế không đồng tình.

Một loại tổ chức nữa là tổ chức đại diện người lao động nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp cho trật tự an toàn xã hội.

“Đây là các vấn đề mà chúng ta cần có giải pháp ngăn chặn. Chúng tôi rất ủng hộ tổ chức đại diện người lao động ra đời nhưng đó phải là một tổ chức thực sự vì người lao động, cùng người lao động hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp” – đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh khi kết thúc phần phát biểu của mình./.

 

 

Theo Ngọc Thành/VOV

.