Cấp ủy ở đâu khi địa bàn xảy ra "điểm nóng": Từ bị động đến lúng túng?
Thực tế đã chỉ ra rằng, ở những địa bàn xảy ra “điểm nóng”, vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện của cấp ủy ở cơ sở còn “chệch choạc”, có nhiều vấn đề.
Trong phần đầu của loạt phóng sự “Cấp ủy ở đâu khi địa bàn xảy ra điểm nóng”, chúng tôi đã đề cập nguyên nhân bùng phát “điểm nóng” từ những sai phạm, yếu kém của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng ở cơ sở; ý đồ gây rối, phá hoại của các thế lực thù địch, cơ hội, bất mãn. Thực tế đó cũng chỉ ra rằng, ở những địa bàn xảy ra “điểm nóng”, vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện của cấp ủy ở cơ sở còn “chệch choạc”, có nhiều vấn đề. Vậy, cấp ủy cơ sở, và ngay cả cấp ủy cấp trên cơ sở đã phản ứng, nhìn nhận và hóa giải “điểm nóng” như thế nào trên địa bàn của mình?. Có hay không việc bị động, lúng túng do bất ngờ?.
"Điểm nóng" Đồng Tâm (Ảnh: Internet) |
Từ thực tế ở một số địa phương đã nêu, Đảng viên lão thành, Đại tá Trần Hồng Trinh - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận thẳng thắn nhìn nhận, chính sự chủ quan, lơ là, không gần dân, sát dân, không gắn bó máu thịt với nhân dân, nắm bắt thông tin, dự báo tình hình kém... của cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là lực lượng công an đã phát sinh “sự cố Bình Thuận”.
“Trước hết là công an. Vì tham mưu là công an, đề xuất có công an, chỉ đạo có công an, nhưng không chủ động, kịp thời, không “sắc”. Từ bị động dẫn đến xử lý túng túng, khiến vụ việc bị kéo dài ra, đẩy quá xa, gây thiệt hại rất lớn. Nên tôi nói, trách nhiệm trước hết là công an, cả một hệ thống. Trưởng công an thành phố cũng là thường vụ thành ủy, Trưởng công an phường cũng ở trong thường vụ phường”, Đại tá Trần Hồng Trinh nêu quan điểm.
Chính vì thụ động, xa dân, không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, không nắm chắc tình hình nên khi sự việc xảy ra, vai trò của cấp ủy (không chỉ cấp ủy cơ sở, mà ngay cả cấp ủy cấp trên cơ sở) ở tỉnh Bình Thuận, tỏ ra yếu ớt, bị động, lúng túng, không biết xoay xở thế nào.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, hệ thống chính trị ở cấp cơ sở còn nhiều khiếm khuyết. Cái yếu, hệ lụy xấu từ sự vụ này là dù đã có dự báo, nhưng cấp ủy các cấp từ tỉnh, huyện, đến xã không lường hết được quy mô, tính chất và thủ đoạn của các đối tượng gây rối, nhất là các đối tượng có tiền án tiền sự, nghiện ma túy. Có những tình huống xảy ra đã ngoài tầm kiểm soát.
“Anh em chưa kiểm soát tốt những đối tượng này. Không chỉ ở trong tỉnh, mà có một số ở ngoại tỉnh cũng về Phan Thiết, ra khu vực cầu Nam Phan Rí Cửa để đi tới. Sau này, khi vụ việc xảy ra rồi, anh em, lực lượng trinh sát cũng như quần chúng nhân dân báo có một số nhóm người lên xe rời Phan Thiết, rời Cầu Nam. Lúc đó, mình biết thì xử lý không kịp nữa”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại câu chuyện.
Người đứng đầu cấp ủy Đảng tại Bình Thuận cũng khẳng định, nếu kiểm soát được toàn diện, đồng bộ thì “điểm nóng” Bình Thuận có thể đã không xảy ra, và dù có xảy ra cũng không đi quá xa, quá nặng nề đến thế. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cấp ủy các cấp, chứ không riêng cấp ủy cơ sở.
Tương tự, tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội khi “biến cố” bùng phát, đỉnh điểm là người dân rào làng, giữ hàng chục cán bộ chiến sỹ cảnh sát cơ động thì vai trò, khả năng xử lý sự việc của cấp ủy ở đây rất yếu ớt, mờ nhạt, thiếu sức chiến đấu. Do vậy, người dân không còn tin vào cấp ủy và lãnh đạo chính quyền địa phương, nhất là khi nhiều người trong số đó gây ra những bức xúc, sai phạm.
Bà Nguyễn Thị Nội, người dân xã Đồng Tâm nhìn nhận: “Người dân chúng tôi thực sự lúc nào cũng tin tưởng Đảng. Đây chỉ vì lợi ích nhóm, chòm dây nhóm. Chứ không phải Đảng làm như thế này, chính quyền vẫn còn nhiều người tốt. Chúng tôi giao những cảnh sát cơ động cho xã thì xã trốn hết, không ai nhận. Chúng tôi chẳng biết làm thế nào nên đưa lên nhà văn hóa…”.
Cấp ủy cơ sở yếu kém, sai phạm, bức xúc của người dân không được quan tâm giải quyết. Trong khi đó, cấp uỷ cấp trên lại thiếu sâu sát trong kiểm tra, giám sát nên dù trước đó, cử các đoàn công tác về Đồng Tâm tuyên truyền, giải thích, nhưng cũng không mang lại kết quả.
Trao đổi với phóng viên VOV, ông Lê Văn Sơn, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mỹ Đức, Hà Nội thừa nhận, “biến cố Đồng Tâm ngày 15/4/2017, huyện ủy, chính quyền cấp huyện hoàn toàn bị động, không hề biết trước”.
“Đồng Tâm là hệ quả điểm nóng do hệ thống chính trị yếu kém cộng những việc tồn tại lâu ngày không được giải quyết. Những sai phạm đó qua nhiều thế hệ thì cơ chế chính sách mỗi lần thay đổi, rất khó. Khi bắt người lại không được báo, không biết”, ông Lê Văn Sơn thừa nhận.
Rõ ràng, vì xa dân, không nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân nên khi bùng phát “điểm nóng”, cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng ở cơ sở bối rối, thụ động, uy tín không còn đủ mạnh để dẫn dắt nhân dân. Trong khi đó, cấp ủy cấp trên cơ sở chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, chưa vào cuộc để xử lý kịp thời khiến sự việc kéo dài và ngày càng nghiêm trọng thêm. Chính trong thời gian dài đó, các đối tượng xấu, quá khích đã kích động, làm xấu thêm tình hình.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương cho rằng: “Đúng là không đi sâu đi sát dân, không hiểu tấm lòng của dân. Dân muốn gì, dân yêu cầu gì, dân bức xúc gì, Đảng cơ sở không nắm được. Quan liêu, cửa quyền, gây khó khăn cho dân thì làm được; nghe tiếng nói của dân, hiểu được nguyện vọng của dân và thấy được khó khăn của dân thì cơ sở không hiểu được”.
Thực tế tại các địa bàn xảy ra “điểm nóng”, đang đặt ra câu hỏi: vì sao hàng năm, các cấp ủy cấp trên luôn có những cuộc kiểm tra, giám sát toàn diện việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp dưới mà không phát hiện ra yếu kém, sai phạm?. Phải chăng, các cuộc kiểm tra này chỉ là hình thức? Liệu quy trình kiểm tra, giám sát có theo kiểu “Cưỡi ngựa xem hoa” khi có những vụ việc từ 3 đến 4 đoàn kiểm tra, giám sát, kết quả đoàn nào cũng đánh giá tốt, nhưng khi sự việc bị phanh phui thì vỡ ra một loạt vấn đề nghiêm trọng?
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân tích: “Những vụ việc vừa qua đa phần là do dân phát hiện và từ dân phát hiện, qua các cơ quan thông tấn báo chí đến cơ quan trung ương. Nói điều đó để thấy rằng, giám sát của chúng ta trong tình hình vừa qua nhiều nơi làm tốt, nhưng không ít nơi hình thức. Tôi nghĩ rằng, với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Trung ương 6, Trung ương 7 về chỉnh đốn và sắp sếp lại tổ chức là cuộc cách mạng về tổ chức để chúng ta làm việc thiết thực, có hiệu quả hơn, tránh hình thức”.
Qua vụ việc ở Đồng Tâm - Mỹ Đức, Hà Nội; thành phố Phan Thiết, thị trấn Phan Rí Cửa, tỉnh Bình Thuận cho thấy, một số nơi, cấp ủy cơ sở không còn đủ mạnh, đủ uy tín để thể hiện vai trò chèo lái, dẫn dắt, hóa giải các mâu thuẫn, bức xúc khi địa bàn xảy ra “điểm nóng”. Sự lúng túng, thụ động của cấp ủy các cấp ở cơ sở đã đẩy “điểm nóng” kéo dài từ ngày này sang ngày khác và chỉ khi có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, thành phố, khi một số đồng chí lãnh đạo vào cuộc, đối thoại với dân, “nút thắt” mới được tháo gỡ. Trong đó, vụ việc ở Đồng Tâm là dẫn chứng điển hình.
Không chỉ riêng Đồng Tâm - Mỹ Đức, Hà Nội; thành phố Phan Thiết, thị trấn Phan Rí Cửa, tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương khác cũng manh nha hình thành các “điểm nóng”. Song, điều khác biệt ở đây là sự chủ động, phản ứng kịp thời của cấp ủy Đảng các cấp nên “điểm nóng” không có cơ hội bùng phát. Đây cũng chính là nội dung sẽ được đề cập ở phần sau của loạt phóng sự này, với nhan đề “Gần dân, lấy dân làm gốc - Bài học không bao giờ cũ”./
Theo VOV