Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo không được để thiếu giáo viên
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được để thiếu giáo viên, nhất là ở vùng sâu, xa, ảnh hưởng đến việc học hành của học sinh.
Chiều 1/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, cho rằng, hiện đang có những rủi ro về tỷ giá, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, hạn chế nhập siêu; tiếp tục theo dõi tình hình quốc tế, có giải pháp kịp thời bảo đảm lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối, tránh đột biến.
Trước thực trạng vốn FDI giảm so với cùng kỳ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương lưu ý điều này để có giải pháp hợp lý. Dự báo sẽ có làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét, đánh giá cơ hội để đón đầu các dự án đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 (Ảnh: VGP/Quang Hiếu) |
Nhấn mạnh, 9 tháng năm 2018 có trên 96.600 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao, Thủ tướng đặt vấn đề: “Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng cao và đặc biệt là hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân còn rất thấp, chậm được cải thiện. Nhân đây chúng ta cũng hỏi một nguyên nhân vì đâu trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh? Phải chăng khâu thực thi ở các cấp chưa hiệu quả. Thực thi để tạo môi trường cho các doanh nghiệp là vấn đề cần lưu ý ở các địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội và các tỉnh khác”.
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, nêu lên tồn tại cần lưu ý, Thủ tướng nhấn mạnh: “Về biên chế giáo viên, dư luận nêu nhiều vấn đề về việc này và có nhiều bức xúc. Tinh thần chung là thực hiện Nghị quyết Trung ương, trước hết là Nghị quyết 19, rà soát, tổ chức, sắp xếp lại các điểm trường; điều chuyển, sắp xếp biên chế phù hợp, kịp thời theo nguyên tắc không được để thiếu giáo viên, nhất là vùng sâu, xa, vùng khó khăn, ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu. Tại phiên họp này, tôi giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sớm thống nhất với Bộ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo trình ngay Thủ tướng Chính phủ phương án cụ thể để xử lý ngay, không kéo dài, chấp nhận hình thức hợp đồng để xử lý vấn đề giáo viên cấp bách hiện nay, nhất là một số địa phương miền núi, Tây Nguyên tăng cơ học thời gian qua”.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp công khai, minh bạch và có sách giáo khoa đảm bảo chất lượng cho học sinh.
Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mục tiêu là đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao là 6,7%, nhưng Chính phủ sẽ phấn đấu đạt cao hơn. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo sản xuất nông nghiệp cần chú trọng khâu chế biến, xuất khẩu, xây dựng chuỗi giá trị. Bộ Công thương tiếp tục các dự án lớn có sức lan tỏa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng phát triển du lịch chất lượng cao, chú trọng chất lượng dịch vụ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp (Ảnh: VGP/Quang Hiếu) |
Nhấn mạnh mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế là hướng đến giảm sự phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Thủ tướng lưu ý: “Phải dựa nhiều hơn vào sức cầu trong nước, sức cầu trong nước dựa nhiều hơn vào tầng lớp trung lưu, nên cần có chính sách dưỡng sức dân, dưỡng sức doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Phát triển năng lực cạnh tranh của các đô thị. Đưa khoa học công nghệ trở thành động lực tăng trưởng mới”.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ hơn bối cảnh mới, trong đó lưu ý tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước khi tổng kết 30 năm chiến lược thu hút đầu tư FDI.
Nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn là cần thiết, Thủ tướng lưu ý có sự chững lại của một số cơ quan chức năng trong việc này và chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới, khẩn trương cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo là đầu mối, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thiện Luật Giáo dục sửa đổi, tiếp thu các ý kiến tâm huyết góp ý.
Tại phiên họp này, Thủ tướng một lần nữa chỉ đạo xử lý tình trạng tín dụng đen và cho vay nặng lãi.
“Bộ Công an tập trung xử lý tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhân dân, trong đó có việc một số băng nhóm xã hội. Tôi nói ví dụ băng nhóm xã hội ở chợ Long Biên đang xảy ra, phải kiên quyết xử lý, trừng trị nghiêm khắc tình trạng này. Hay tình trạng tín dụng đen, công an các địa phương, công an của Bộ phải tập trung chỉ đạo xử lý, lập lại trật tự trong cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu hai tổ công tác của Thủ tướng đẩy mạnh kiểm tra thực tế và báo cáo Thủ tướng về những sai phạm của những đơn vị được kiểm tra và đề xuất giải pháp xử lý.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chuẩn bị tốt các nội dung, nhiệm vụ được giao cho Hội nghị Trung ương 8 và kỳ họp Quốc hội sắp tới, không để xảy ra tình trạng chậm trễ các văn bản được giao. Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành đảm bảo thời gian trình các dự án Luật trong đó có Luật Đầu tư công sửa đổi và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch./.
Theo Vũ Dũng/VOV