"Tham nhũng vặt không còn là chuyện vặt"
Điều nguy hiểm nhất của tham nhũng vặt là tạo ra sự bức xúc, đặc biệt là gây mất niềm tin của người dân vào các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Doanh nghiệp muốn được việc thì phải có phí “bôi trơn”, người dân qua cửa công quyền nếu không mong bị “hành là chính” thì chỉ cần “lót tay” phong bao, phong bì. Cha mẹ muốn con vào trường điểm, trường tốt thì phải chạy lớp, chạy trường. Những câu chuyện tham nhũng vặt này đã và đang diễn ra hàng ngày, len lỏi vào ngõ ngách của đời sống xã hội.
Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn TS Đinh Văn Minh- Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ).
TS Đinh Văn Minh- Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. |
PV: Theo ông, tham nhũng vặt liệu có phải là chuyện vặt?
Ông Đinh Văn Minh: Hiện nay chúng ta đã phát hiện và xử lý được nhiều vụ án tham nhũng lớn với các chức vụ, quyền hạn càng ngày càng cao, thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, hiện nay còn một vấn đề mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước băn khoăn, nhân dân bức xúc đó là tình trạng tham nhũng vặt, tức là các vụ việc số lượng tiền bạc không nhiều nhưng diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, tác động trực tiếp tới người dân khi họ muốn thực hiện quyền và nghĩa vụ với Nhà nước.
PV: Với nhiều người, chuyện tham nhũng vặt đã quen đến mức họ sẵn sàng thỏa hiệp, thậm chí còn coi đó là chuyện đương nhiên, phù hợp với quy luật phát triển xã hội. Theo ông, phải chăng chính hành động tiếp tay này khiến nạn tham nhũng vặt trở nên phổ biến hơn?
Ông Đinh Văn Minh: Tham nhũng vặt nhưng không phải là chuyện vặt chính ở chỗ đó. Chuyện người dân muốn làm việc nọ, việc kia nhưng phải “lót tay”, “bôi trơn”, quà cáp là chuyện không đúng, không bình thường nhưng nguy hiểm ở chỗ hiện nay điều đó lại trở thành bình thường, phổ biến và mọi người dường như chấp nhận vì ai cũng làm như vậy mà mình không làm thì sẽ bị bất bình đẳng. Đó là điều đáng e ngại, thậm chí đáng phê phán.
Xảy ra tham nhũng vặt xuất phát từ nhiều phía, nhưng xuất phát điểm không phải tự người dân muốn thế vì qua cách ứng xử hàng ngày của cán bộ công chức, trong giải quyết công việc dường như nếu không có chuyện “lót tay” thì công việc sẽ trở nên khó khăn, cho nên người nọ bảo người kia nhìn nhau mà làm.
PV: Liệu rằng có phải thủ tục hành chính còn nhiêu khê, phức tạp, “hành là chính” nên mới nảy sinh tham nhũng vặt?
Ông Đinh Văn Minh: Tham nhũng vặt là vấn đề khá phức tạp, có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về thủ tục hành chính, nhưng tôi cho rằng trước hết là do ý thức trách nhiệm, thói quen, tâm lý từ thời cơ chế xin-cho. Người dân nói rất đúng, cán bộ công chức, viên chức được nhận lương, được đảm bảo các điều kiện thì phải có trách nhiệm trong công việc. Trách nhiệm đó không phải là việc khi người dân đến anh ban phát hay đòi hỏi sự cảm ơn nào đó.
Một yếu tố nữa là do các thủ tục còn nhiều nhiêu khê và để vượt qua được thì người dân chọn cách nhanh nhất, gọn nhất là đưa tiền.
Tình trạng đó xảy ra khá phổ biến, ở mọi nơi, mọi chỗ nhưng chúng ta lại thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát để nhắc nhở, trường hợp cần thiết phải xử lý. Những yếu tố trên khiến cho tình trạng tham nhũng vặt trở nên phổ biến.
Về tâm lý xã hội, người dân cũng đã quen với việc đó, thậm chí là chấp nhận mặc dù không thích thú gì cả. Đó cũng là tác nhân làm cho “căn bệnh” này trở nên khó chữa.
PV: Tham nhũng vặt nếu không được giải quyết tận gốc thì chắc chắn hệ lụy để lại là vô cùng lớn, thưa ông?
Ông Đinh Văn Minh: Tham nhũng vặt như một căn bệnh, đều qua các giai đoạn. Ngay cả ung thư cũng vậy, ban đầu bệnh còn nhẹ, nhưng nếu không chữa trị kịp thời thì nó sẽ di căn.
Tham nhũng vặt nếu không được xử lý thì dần dần sẽ trở nên nguy hiểm. Chính vì vậy cần biện pháp để xử lý một cách toàn diện vấn đề này.
PV: Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh câu chuyện tham nhũng vặt và cho rằng sẽ quyết liệt với những hành vi gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, theo ông chúng ta có thể giải quyết được triệt để vấn nạn này để từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân hay không?
Ông Đinh Văn Minh: Đúng như vậy, tham nhũng vặt không còn là chuyện vặt mà đã trở thành vấn đề lớn. Điều nguy hiểm nhất của tham nhũng vặt là tạo ra sự bức xúc, đặc biệt là gây mất niềm tin của người dân vào các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Hiện nay, các cơ quan đang hết sức quan tâm đến xử lý tham nhũng vặt, thậm chí Ban Nội chính Trung ương đang nghiên cứu xây dựng đề án chống tham nhũng vặt. Đề án đánh giá tình trạng của nó như thế nào cũng như tìm ra nguyên nhân từ nhiều phía, bên cạnh đó là cần có cơ chế để giám sát, giám sát bằng hòm thư người dân, thậm chí dùng công nghệ để giám sát và phải xử lý nghiêm. Tôi tin rằng, dần dần tham nhũng vặt sẽ bớt đi và đến lúc nào đó người dân sẽ hài lòng hơn.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo Minh Tâm/VOV