"Lợi ích nhóm, sân sau dần lộ diện qua nhiều vụ việc"
“Sự tiếp tay của người có chức vụ quyền hạn, sân sau, lợi ích nhóm, công ty gia đình... đang dần lộ diện qua nhiều vụ việc vừa qua”.
Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thảo luận tại phiên họp 28 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các báo cáo: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; Giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Phiên họp 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh:Quochoi.vn) |
Chính phủ thể hiện sự lắng nghe, xử lý không có vùng cấm
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, nhìn lại nửa nhiệm kỳ đã qua có thể thấy gặp không ít khó khăn, thách thức, có những tồn đọng từ những năm trước đó, nhưng với tinh thần vừa làm vừa tháo gỡ đã tạo sự đồng thuận.
“Điều rất mừng là quyết tâm chính trị cao đã chuyển thành những chỉ đạo quyết liệt trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển KT-XH. Chương trình hành động của các bộ ngành, uỷ ban và địa phương có hiệu quả” – bà Tòng Thị Phóng nêu rõ, đồng thời nêu dẫn chứng có những đổi mới về chính sách đáng ghi nhận như giao vốn đầu tư công trung hạn một cách công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí có tác động tích cực trong chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành đất nước.
Một “điểm sáng” nữa, theo Phó Chủ tịch Quốc hội là phong cách lắng nghe nhân dân, doanh nghiệp, giải quyết vấn đề bức xúc phát sinh trong xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Công tác đối ngoại cũng làm tăng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
“Với khí thế mới và phong cách, quyết tâm chính trị cao như vậy thì thời gian tới cả hệ thống chính trị phát huy hơn nữa, chỉ đạo điều hành quyết liệt hơn nữa” – bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Bày tỏ cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, thời gian qua, Chính phủ tích cực điều hành theo tinh thần xuyên suốt là tăng cường kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
“14 điểm nhấn trong báo cáo thẩm tra về những kết quả đạt được đã tạo hiệu ứng lan toả tốt trên nhiều lĩnh vực, tăng cường niềm tin trong nhân dân cũng như được dư luận trong nước và nước ngoài đánh giá cao” – bà Lê Thị Nga khẳng định.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng dẫn chứng việc Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã sâu sát cơ sở, bám sát thực tiễn, thường xuyên đối thoại và lắng nghe để giải quyết những vấn đề cấp bách, vấn đề bức xúc của nhân dân cũng như tạo niềm tin với các nhà đầu tư.
“Thể hiện rõ là sự cầu thị, tôn trọng ý kiến dư luận, ý kiến cử tri và của đại biểu. Khi có vấn đề bức xúc thì Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đều có phản ứng kịp thời; tổ chức thường xuyên các hội nghị, đối thoại để lắng nghe và điều này cần phát huy” – bà Lê Thị Nga nói.
Đề nghị nhấn mạnh thêm về phòng chống tham nhũng trong báo cáo, bà Lê Thị Nga cho rằng, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư – Trưởng Ban PCTN Trung ương, công tác này đã được đẩy mạnh, thể hiện nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý.
“Với Chính phủ mảng công tác này đã được đẩy mạnh thể hiện ở 2 lĩnh vực: Thanh tra đã đẩy nhanh kết luận các vụ việc mà dư luận quan tâm, như vụ AVG, Hãng phim truyện Việt Nam, đất đai ở Thủ Thiêm, Đà Nẵng và đôn đốc xử lý; Điều tra các sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đánh bạc qua mạng, vụ Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Anh Vũ... đã thể hiện không có vùng cấm, không có ngoại lệ” – bà Lê Thị Nga dẫn chứng.
“Lợi ích nhóm, sân sau dần lộ diện”
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đặt vấn đề vì sao công trình hạ tầng, nhất là giao thông làm thì lâu nhưng xuống cấp và hỏng nhanh.
Dẫn chứng tuyến cao tốc Đà Nẵng –Quảng Ngãi được đầu tư 34.500 tỷ đồng và mới thông xe nhưng đã xuống cấp, bà Nga đề nghị làm rõ những vụ việc cụ thể mà dư luận và báo chí phản ánh, nhất là trách nhiệm của cá nhân và tổ chức. Hơn nữa, cần rõ trách nhiệm giải trình nghiêm túc để không tồn tại việc né tránh trách nhiệm như nói đường xuống cấp do mưa...
Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp Lê Thị Nga (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đề cập tình trạng vi phạm trong cổ phần hoá nhà, đất công, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nói: “Có sự tiếp tay của người có chức vụ quyền hạn. Tham nhũng, sân sau, lợi ích nhóm, công ty gia đình đang dần lộ diện qua vụ việc vừa qua. Do đó cần có giải pháp nhận diện để xử lý cho phù hợp thực tế”.
Một lần nữa nêu vấn đề liên quan đến “sách giáo khoa sử dụng một lần”, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện bày tỏ ngạc nhiên khi Bộ GD-ĐT hàng năm vẫn nhắc nhở các Sở Giáo dục, giáo viên nhưng nhiều năm qua rồi mà “tình hình viết vào SGK vẫn không giảm”.
"Tại sao người dân, cử tri biết, phụ huynh biết mà người quản lý lại không biết đó là sự lãng phí?", bà Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi và băn khoăn về việc xã hội bỏ ra cả nghìn tỷ một năm để mua SGK trong khi bao nhiêu căn nhà tình nghĩa dành cho người có công cần nguồn vốn./.
Theo Ngọc Thành/VOV