Hội nghị T.Ư 8: Tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

Thứ Hai, 01/10/2018, 14:31 [GMT+7]

Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp Trung ương phải thực sự gương mẫu và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực.
 
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XII sẽ diễn ra vào ngày 2/10. Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến vào dự thảo đề án “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Đây là Quy định được xây dựng trên nguyên lý "có xây, có chống và xây trước, chống sau", điểm cốt lõi của dự thảo đề án là "Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu" nhấn mạnh trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
 

1
Ảnh minh họa.

 

Dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên do Ban Tổ chức Trung ương trình Bộ Chính trị có mục đích để việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên.

Dự thảo quy định từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải thực sự gương mẫu về bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu; đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; vai trò trung tâm đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Ông Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Để trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương là cả quá trình phấn đấu, rèn luyện không ngừng của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhưng nếu không liên tục rèn luyện để suy thoái đạo đức lối sống, làm sai quy định của Nhà nước sẽ làm mất lòng tin của dân, ảnh hưởng uy tín của Đảng, đồng nghĩa với công lao phấn đấu cả đời của cán bộ, đảng viên trở thành vô nghĩa.

“Tinh thần chỉ đạo lần này phải đi sâu, mỗi đảng viên phải rèn luyện mình, đi đầu gương mẫu. Đảng đi đầu, ở đâu khó phải lao vào, chỗ nào hy sinh gian khổ phải lao vào. Chứ bây giờ đảng viên chỗ nào có lợi là thu lợi thì đó chính là tự diễn biến. Tất cả các cấp ủy từ địa phương đến Trung ương mà rời khỏi vai trò lãnh đạo của mình hoặc không xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình thì đó là tự diễn biến lớn nhất, sâu sắc nhất trong điều kiện hiện nay” – ông Nguyễn Viết Chức cho biết.

Theo ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương: Cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Thực tế đã chỉ ra, tham nhũng là ở cán bộ, đảng viên có chức có quyền, tập trung về tham nhũng đất đai, tham nhũng về “đề án” và tham nhũng công tác cán bộ, đề bạt cán bộ. Do đó, vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên là vô cùng quan trọng, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp Trung ương phải thực sự gương mẫu và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền, lợi ích nhóm, để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

“Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”. Cấp trên không nghiêm thì làm sao dưới nghiêm được. Cho nên trên nóng, dưới lạnh là vì thế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sạch, Trung ương nóng, còn bên dưới “lờ” đi. Còn nữa, “nắm anh có tóc chứ không nắm anh trọc đầu”, người đứng đầu có gương mẫu hay không? Do đó, công tác cán bộ và giám sát cán bộ là quan trọng” – ông Nguyễn Đình Hương nêu ý kiến.

Ngày 7/6/2012, Ban Bí thư có Quy định 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Lần này Trung ương đã nâng tầm từ quy định của Ban Bí thư lên Quy định của Ban Chấp hành Trung ương. Từ quy định là cán bộ, lãnh đạo, người đứng đầu nay chỉ rõ là “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.

Đây là quy định có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị. Theo đó, điểm cốt lõi của dự thảo đề án trình Trung ương lần này là "Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu". Tại điều 2 và điều 3 được dành riêng để quy định cụ thể đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương Đảng dựa trên nguyên lý "có xây, có chống và xây trước, chống sau". Ông Vũ Thanh Sơn, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng trước hết nghiêm khắc với bản thân mình, sau đó kiên quyết chống. Kiên quyết chống, đó là thấy các đồng chí khác mà vi phạm thì phải có thái độ “chống”.

Nếu được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8, khóa XII thông qua, đây sẽ là quy định có ý nghĩa trong chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng; lạm quyền, lợi ích nhóm, để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, làm tăng thêm sức mạnh của Đảng và quan trọng là tăng niềm tin của người dân đối với Đảng./.

 

 

Theo Lại Hoa/VOV

.