Cử tri gửi nhiều tâm tư, nguyện vọng tới kỳ họp thứ 6 (khóa XIV)

Chủ Nhật, 21/10/2018, 09:18 [GMT+7]

Ngày 22/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc tại Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng được cử tri cả nước trông đợi.
 
Tin tưởng và kì vọng là suy nghĩ của nhiều cử tri trước thềm kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Bởi kỳ họp này diễn ra ngay sau khi Hội nghị Trung ương 8 khóa XII vừa kết thúc với việc thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; vấn đề trách nhiệm nêu gương, tính tiền phong, gương mẫu của mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên; về chiến lược Biển….

Đặc biệt, cử tri phấn khởi, hoan nghênh việc Trung ương đã giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước; bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng vào việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là vấn đề hết sức quan trọng, hợp ý Đảng, lòng dân, đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri.
 

1
Ảnh minh họa.


Cử tri khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, liêm khiết, trí tuệ. Trong những năm vừa qua, ông đã cùng Trung ương đưa ra nhiều Nghị quyết quan trọng, nhất là đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và đạt những kết quả tích cực chưa từng có, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Cử tri Lê Đức Hạnh (phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương đã tin tưởng giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đủ đức, tài, đúng người, đúng việc, xứng đáng vào vị trí rất quan trọng. Dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ và mong Tổng Bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng, nhân dân được lâu hơn, nhiều hơn, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta, cùng với toàn Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân xây dựng quốc gia phát triển, văn minh, theo con đường của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Quốc hội tiếp tục cho ý kiến sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Cử tri đồng tình với 2 phương án trình Quốc hội về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định hoặc chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Tuy nhiên, cử tri cho rằng, cán bộ không tự giác kê khai tài sản, khi bị phát hiện thì cán bộ đó phải buộc thôi việc; tài sản không giải trình được nguồn gốc thì tịch thu sung quỹ. Đồng thời cử tri còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm, người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên cho rằng làm sao trên “sôi sục” thì dưới cũng phải chuyển động. Làm cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống nội xâm kết thúc sớm, đất nước ngày càng trong sạch, nền kinh tế đất nước cất cánh, tạo nên khí thế làm việc trong dân tham gia xây dựng đất nước.

Cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát vẫn tiềm ẩn; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không kịp thời và có giải pháp nắm bắt ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ có hay không tình trạng lãng phí lớn sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần; tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học. Bên cạnh đó, tiền lương của giáo viên quá thấp nhưng lại bị cấm dạy thêm, dẫn đến tình trạng học sinh phải viết đơn xin học thêm tự nguyện để giáo viên đối phó với cơ quan chức năng.

Là cơ quan tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của cử tri, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt khẳng định: trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là theo dõi và tổ chức giám sát kiến nghị của cử tri. Mặt trận sẽ thực hiện giám sát theo Luật Giám sát, phối hợp với cơ quan truyền thông để người dân lắng nghe được những ý kiến hoạt động của đại biểu dân cử, đồng thời ý kiến MTTQ để nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, Chính phủ trong việc thực hiện ý kiến trả lời. Những ý kiến này đều phải được giải đáp. Trong chương trình giám sát của MTTQ hàng năm đều đưa ra nội dung chương trình giám sát. Giám sát lại việc thực hiện kiến nghị của MTTQ. Có những nội dung 2-3 lần được giám sát thì các nội dung đó được thực hiện.

Cử tri mong muốn lần này việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để thấy rõ tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, bản lĩnh và năng lực của đại biểu Quốc hội, đóng góp ý kiến nhằm chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội. Đồng thời kỳ vọng Quốc hội tiếp tục đổi mới trong công tác lập pháp, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; nâng cao chất lượng tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề mà đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm./.

 

 

Lại Hoa/VOV

.