Việt Nam - một tấm gương!

Thứ Hai, 03/09/2018, 08:25 [GMT+7]

Với nhiều sử gia - nhà báo quốc tế, thành công của Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, thực sự là một tấm gương.
 
Chỉ bằng thắng lợi của một cuộc cách mạng đã đập tan ách phát-xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Với nhiều sử gia- nhà báo quốc tế - những người đã có thời gian dài nghiên cứu về Việt Nam, đến với Việt Nam, hiểu sâu về đất nước hình chữ S - câu chuyện mà dân tộc Việt Nam đã viết lên trong những ngày tháng Tám lịch sử, là câu chuyện mang sắc màu huyền thoại và thành công của Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc, thực sự là một tấm gương.
 

1
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền tại Nhà hát Lớn
Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: TL


Sự tất yếu mang tính logic

“Chiến thắng năm 1945 của Việt Nam không chỉ là sự kiện gây bất ngờ, mà đó cũng là sự tất yếu mang tính logic trong lịch sử phong trào đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở châu Phi. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, là người đầu tiên tuyên bố độc lập của một nước thuộc địa”. Đó là nhận định của nhà báo nhà sử học Alain Ruscio, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, có hàng chục tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam, về cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945.

Trong cách nhìn của ông, tiến hành một cuộc cách mạng thành công trong bối cảnh thế và lực đều vô cùng hạn chế, trong bối cảnh có đến 1/3 dân tộc trên thế giới đang phải sống trong ách thống trị của thực dân, bản thân cũng trải qua đến hàng trăm năm đô hộ, là một “chiến tích” phi thường, đáng phải học hỏi của dân tộc Việt Nam. “Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam là một tấm gương, là biểu tượng của quá trình đấu tranh giành độc lập; các dân tộc bị đô hộ cần phải lên tiếng” - Alain Ruscio khẳng định.

Thiết nghĩ cũng nên nói thêm về Alain Ruscio, về tình yêu lớn, sự gắn bó mật thiết mà nhà báo - nhà sử học này dành cho Việt Nam. Alain Ruscio đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1978 với tư cách là phóng viên thường trú duy nhất nhật báo L’Humanité (Nhân đạo) và ở lại đây cho đến năm 1980. Tuy nhiên, Alain Ruscio đã biết đến Việt Nam từ những năm 1960 khi cùng bạn bè xuống đường tham gia vào các cuộc biểu tình chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Năm 1969, chàng trai trẻ Alain Ruscio đã bị cảnh sát bắt vì tham gia biểu tình và rải truyền đơn chống cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành tại Việt Nam.

Cũng chính trong thời gian dài tác nghiệp tại Việt Nam,  Alain Ruscio  đã có cơ hội tiếp xúc, phỏng vấn nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... - được gặp họ, với ông, tựa như được gặp “những ngọn núi lớn”.

Cả khi trở về Pháp, Việt Nam vẫn tiếp tục gắn kết với ông như một mối lương duyên. Nhiều người Việt Nam và Pháp tiếp tục biết đến ông trên tư cách là Giám đốc trung tâm nghiên cứu về Việt Nam đương đại (Centre d’Information et de Documentation sur le Viet Nam Contemporain - viết tắt CID Vietnam), nơi lưu trữ khối lượng đồ sộ các tư liệu quý về Việt Nam.

Sự am hiểu về Việt Nam, về các quốc gia Đông Dương đã giúp ông hoàn tất nhiều cuốn sách, trong đó nhiều cuốn viết về đề tài chống thực dân như “Những người cộng sản Pháp và cuộc chiến tranh Đông Dương” 1944-1954, nxb L’harmattan, 1985; “Điện Biên Phủ: Huyền thoại và thực tế 1954-2004”, “Năm mươi năm say đắm Pháp” (hợp tác với Serge Tignères, Paris, nxb. Les Indes Savantes, 2005; “Chiến tranh Pháp ở Đông Dương (1945-1954)”, Bruxelles, nxb. Complexe; “Tuyển tập hồi ký thế kỷ”, 1992; “Việt Nam, lịch sử, đất nước và con người”, nxb L’harmatan, 1989…  

“Sự hội tụ kỳ lạ các điều kiện”

“Cuộc cách mạng không phải là sự bùng nổ... Chỉ có một sự hội tụ kỳ lạ các điều kiện mới khiến cho cách mạng thực hiện được”. Đó là cách nhìn của nhà báo kiêm sử gia người Pháp Phillip Devillers về sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam trong cuốn "Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952”. Những điều kiện ấy, theo Phillip Devillers là việc Nhật đảo chính Pháp, nạn đói năm Ất Dậu và tình trạng gần như vô chính phủ ở Việt Nam. Theo Phillip Devillers, từ những điều kiện đó, ĐCSVN và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm và giành thời cơ, dẫn dắt nhân dân thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công chấn động địa cầu. Thêm vào đó, ký giả Devillers cho rằng, Cách mạng Tháng Tám 1945 còn là kết quả logic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước.
 

 

Phillip Devillers là một trong những nhà báo Pháp có mặt đầu tiên ở Việt Nam không lâu sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 3/11/1945, ông đã đến Đông Dương với tư cách là tùy viên báo chí của Tướng Leclerc và phóng viên thường trú đầu tiên của báo Le Monde ở Đông Dương. Cuối tháng 11/1945, theo chỉ thị của Tướng Leclerc, ông cùng với các nhà báo Pháp khác như Jean Lacouture, Pierre-Maurice Dessinges... đã lập ra tuần báo Paris - Saigon để đăng tải những thông tin mới về chiến sự ở Việt Nam. Quay trở về Pháp, Phillipe Devillers là một trong số các thành viên sáng lập Hội hữu nghị Pháp - Việt vào năm 1961. Cuốn sách cuối cùng của Philippe Devillers về Việt Nam có nhan đề “Hơn 20 năm với Việt Nam, 1945-1969” là những trải nghiệm về thời tuổi trẻ gắn bó với Việt Nam của ông, được Nhà xuất bản Les Indes savantes xuất bản năm 2010. Việt Nam trong ông, luôn là tình cảm trước sau như một. “Trong cuộc đời, tôi luôn viết các bài báo, cuốn sách ủng hộ mục tiêu cao cả của Việt Nam là độc lập và thống nhất đất nước. Dân tộc Việt Nam đã dũng cảm kiên quyết lựa chọn con đường đấu tranh và đã giành thắng lợi cuối cùng. Dân tộc đó xứng đáng có một cuộc sống tự do, hạnh phúc” - Philippe Devillers chia sẻ.

Cuộc cách mạng tháng Tám của dân tộc Việt Nam thực sự là tâm điểm thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, các sử gia quốc tế. “Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế”. Đó là cách nhìn của nhà sử học Na Uy S.Tonnesson về cuộc cách mạng tháng Tám của dân tộc Việt Nam.

Trong cuốn “The Vietnamese Revolution of 1945-Roosevelt, Ho Chi Minh and de Gaulle in a World at War” (Cách mạng Việt Nam 1945-Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh), nhà sử học Na Uy S.Tonnesson cũng cho rằng: “Cách mạng Việt Nam quan trọng và không phải chỉ thuần túy trong bối cảnh Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu của một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh, đó là quá trình phi thực dân hóa. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”.

Nhà nghiên cứu sử học Gilbert School, một người Pháp cũng đã có thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì lại có một cách nhìn khác. Ông khẳng định: “Cách mạng Tháng 8 năm 1945 của Việt Nam là sự kiện đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm, đánh dấu bước chuyển sang thời kỳ mới. Thành công của Cách mạng Tháng 8 ở Việt Nam còn có ý nghĩa quốc tế, nhất là đối với nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới vào thời điểm đó, mở đầu cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa”.

Còn với chuyên gia sử học Francis Gendreau, cũng là người có nhiều gắn bó với lịch sử Việt Nam, thì với cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam đã làm nên điều kỳ diệu, quyết định vận mệnh và tương lai của mình. Theo Gendreau, cuộc cách mạng của Việt Nam đã có tác động lớn trên thế giới, nhất là đối với các nước thuộc địa khi đó. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đánh dấu thời điểm quan trọng trong lịch sử Việt Nam, phản ánh cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống lại sự chiếm đóng của giặc ngoại xâm, đồng thời đánh dấu sự chuyển giao sang thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.

Nhà sử học Mông Cổ Sanon Ish Dashtsevel thì nêu rõ rằng thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 là do “đường lối và chính sách đúng đắn khoa học của Đảng Cộng sản Đông Dương, dưới sự lãnh đạo tài ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được mọi tầng lớp trong xã hội, đoàn kết đấu tranh để thực hiện thành công mục tiêu cuối cùng là giải phóng dân tộc, mang lại đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho toàn dân”.

 

 

Theo VOV

.