Đánh giá cán bộ còn bị thao túng bởi lợi ích nhóm
Nhiều nơi, việc đánh giá cán bộ chưa phản ánh thực chất đội ngũ cán bộ, không đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ.
Đánh giá cán bộ là một công việc trọng yếu của công tác cán bộ. Đây cũng là công việc luôn được các cấp ủy đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Ở không ít nơi, việc đánh giá vẫn chưa phản ánh thực chất đội ngũ cán bộ, không đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ… Từ thực tế công tác cuả mình, ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư huyện ủy Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang cho rằng, việc đánh giá cán bộ là khâu yếu vì nhiều nguyên nhân như quy định, quy trình, phương pháp đánh giá quá chung chung, trong khi đó ý thức phê và tự phê của cán bộ đảng viên chưa cao.
Hình minh họa |
Tham nhũng trong công tác cán bộ
“Các quy định về tiêu chí đánh giá cán bộ mang tính định tính, nhiều nội dung thiếu đồng nhất, người đứng đầu chưa gương mẫu, cấp dưới không dám phê bình cấp trên, cán bộ chuyên viên không dám phê bình góp ý đánh giá lãnh đạo…”- ông Nguyễn Duy Hòa nói.
Thời gian qua, nhiều trường hợp bố trí cán bộ không đúng gây bức xúc trong dư luận như: Một chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ sau 5 tháng trở thành một cán bộ lãnh đạo tương đương cấp sở, một nữ nhân viên hợp đồng “bỗng dưng” lên chức trưởng phòng và tiếp tục được quy hoạch Phó giám đốc Sở. Rồi một ủy viên Bộ Chính trị cùng một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh bị xử lý kỷ luật do trước đó có nhiều sai phạm…
Từ dẫn chứng này, Phó giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn –Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, xảy ra tình trạng đó không chỉ do quy định về đánh giá cán bộ còn bất cập, mà còn là sự thao túng bởi lợi ích nhóm của người, cơ quan có thẩm quyền đánh giá, đề bạt cán bộ.
“Bản thân người đánh gíá là có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân- nói thẳng ra đó là tham nhũng trong công tác cán bộ. Nhưng vấn đề ở đây là do những cơ chế, những quy định về đánh gíá, bố trí cán bộ còn nhiều thiếu sót, sơ hở để họ lợi dụng làm sai…”- Phó giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn nói.
Đưa Nghị quyết 26 vào cuộc sống
Nhìn rõ những điểm yếu trong đánh giá cán bộ vừa qua, tại hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã ban hành Nghị quyết 26 về công tác cán bộ, trong đó xác định: Phải đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh, ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Trung ương đặt nhiệm vụ cố gắng phấn đấu hoàn thành một bước việc thể chế hoá, cụ thể hoá Nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ…Từng bước thực hiện việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực…
Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 89 và 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, những định hướng về xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với đội ngũ cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị. Theo đó, quy định rõ tiêu chuẩn khung cần phải có đối với cán bộ quản lý các cấp, ngay cả với 20 chức danh cán bộ cao cấp của hệ thống chính trị từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đến các chức danh bộ trưởng và tương đương. Cùng với đó là những định hướng khung quan trọng thống nhất về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá và cách thức đánh giá đối với cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp. Các quy định này được xây dựng trên tinh thần gắn với công việc lãnh đạo, quản lý theo từng chức danh cụ thể.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Vụ trưởng vụ địa phương, Ban Tổ chức Trung ương thì đây là lần đầu tiên trung ương đưa ra những tiêu chí đánh giá cụ thể theo chức trách nhiệm vụ của cán bộ công chức.
“Tiêu chí đánh giá cán bộ lần này rất rõ, chia ra 2 nhóm, bất cứ cán bộ lãnh đạo nào cũng phải đáp ứng được. Đó là lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãnh đạo phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính….Nhóm tiêu chí thứ hai là trên cương vị công tác nhiệm vụ ở từng lĩnh vực khác nhau có tiêu chí khác nhau”- ông Nguyễn Ngọc Dũng nói.
Triển khai Nghị quyết 26, Quy định số 89 và 90 của Bộ Chính trị đã nhanh chóng được triển khai thực hiện. Tại một số số ngành, địa phương đã ban hành quy chế về đánh giá cán bộ với bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, phương pháp đánh giá cán bộ cho ngành, địa phương mình. Do lượng hóa được tiêu chuẩn, tiêu chí và đổi mới phương pháp đánh giá nên kết quả đánh giá đã thực chất hơn, chấm dứt tình trạng“yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu”trước đây.
Không những đã lượng hóa được các tiêu chí đánh giá cán bộ, tại một số địa phương đã mạnh dạn thay đổi phương thức đánh giá, chu kỳ đánh giá cũng như đối tượng tham gia đánh giá. Nếu trước đây việc đánh giá cán bộ được thực hiện vào cuối năm và dịp cuối nhiệm kỳ, với sự đánh giá đơn chiều, cấp trên với cấp dưới và nội bộ với nhau thì nay, nhiều nơi đã thực hiện đánh giá cán bộ hàng tháng, thậm chí hàng tuần như ở Quận Long Biên- Hà Nội, huyện Nhà Bè thành phố Hồ Chí Minh, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh…
Ông Nguyễn Hải Thành- cán bộ UBND huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc đánh giá cán bộ theo quý, thậm chí theo tháng với những tiêu chí định lượng cụ thể đã nâng cao tinh thần trách nhiệm cuả cán bộ công chức với công việc mình phụ trách, từ đó nâng cao chất lượng giải quyết công việc, đồng thời giúp cán bộ kịp thời sữa chữa những khuyết điểm.
“Việc này đã buộc cán bộ công chức sau mỗi ngày làm phải chốt lại xem mình đã làm được gì còn việc gì phải làm trong ngày mai, trong tuần, trong tháng. Việc gì cần tập trung để giải quyết cho hiệu quả”- ông Nguyễn Hải Thành chia sẻ thêm.
Thời gian tới, Nghị quyết 26 và 2 Quy định 89, 90 cả Bộ Chính trị sẽ được thể chế hóa cụ thể bằng pháp luật và các quy định cuả các bộ, ngành địa phương… Được biết, hiện nay Bộ Nội vụ đang tích cực soạn thảo Nghị định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức để thay thế Nghị định 56/2015và Nghị định 88/2017 để các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo một quy trình, thủ tục chặt chẽ với các tiêu chí và mức đánh giá, phân loại cụ thể, chi tiết. Vẫn biết, không có quy định nào có thể lấp hết khoảng trống, khắc phục hết những hạn chế một sớm một chiều. Nhưng việc đề ra những quy định mới bài bản, chặt chẽ, khoa học và chủ động trong công tác đánh giá cán bộ sẽ chấm dứt những hạn chế, tiêu cực đã tồn tại lâu nay trong công tác đánh giá cán bộ trong thời gian tới./.
Theo Sỹ Lý/VOV